Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khốn đốn vì lục bình

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM đang phải đối mặt với vấn nạn lục bình ảnh hưởng đến công việc mưu sinh, dòng chảy, dịch muỗi và đặc biệt là gia tăng ô nhiễm nguồn nước.

Dọn lục bình để “giải cứu” ghe ra khỏi rạch tại Bình Quới

TP.HCM hiện có trên 3.000 tuyến sông và kênh rạch (trên 2.000km), trong đó có nhiều hệ thống kênh đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước. Tuy nhiên, có trên 180 kênh (203km) bị lục bình xâm chiếm và phát triển dày đặc.

Người dân kêu trời

Ông Nguyễn Văn Đề (P.Thủ Thiêm, Q.2) có hơn 20 năm gắn với nghiệp thương hồ rầu rĩ: “Bây giờ ra vào kênh, rạch không còn dễ như trước bởi lục bình vây phủ kín mặt nước. Những bến bãi mua bán thuận lợi trước đây gần như bị tắc, kiếm cái ăn mỗi ngày càng khó”. Lục bình phát triển dày đặc không chỉ ảnh hưởng đến mưu sinh mà còn đối mặt với nhiều dịch bệnh. Bây giờ không dám ăn cơm ngoài mùng như trước đây nữa”.

Anh Trần Lũy (P.An Phú Đông, Q.12), thương lái cung cấp trái cây cho các vựa cho biết, khoảng một năm trở lại đây, lục bình phát triển rất nhanh, phủ kín cả mặt sông Vàm Thuật, Rạch Cát. “Nhiều gia đình quanh năm sống nương nhờ các vựa tràm, dừa tươi như tôi nay đành phải chuyển đến nơi khác vì ô nhiễm, đi lại khó khăn”. Anh Lũy cho biết thêm, khi mặt nước ken cứng lục bình, ghe di chuyển một quãng đường nhất định phải mất thêm một khoản chi phí nhiên liệu. Đó cũng là nguyên nhân mà anh cùng những người bạn thương hồ tính đến đường “tháo chạy”.

Các con rạch ở Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh) trước đây ghe xuồng ra vào khá dễ dàng, nay lục bình làm tắc đường. Theo người dân địa phương, cứ một hai ngày là trục vớt khai thông để tiện ra vào nhưng chỉ sau hai đêm là đâu lại vào đó. Người mưu sinh bằng nghề chài lưới trên các nhánh sông cũng hết sức vất vả vì lục bình. Ông Võ Lương (sống tạm ở chân cầu Bình Lợi, Q.Bình Thạnh) giọng mệt mỏi: “Lục bình phủ dày mặt sông, không còn chỗ nào để thả lưới, không biết lấy gì để sống?”.

Theo Sở TN-MT TP.HCM, trung bình mỗi năm thành phố phải chi hàng tỷ đồng để thực hiện công tác xử lý lục bình trên tất cả các con kênh lớn nhỏ từ thượng đến hạ nguồn, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Đình Hòa (Sở NN-PTNT TP.HCM): Lục bình còn gọi là bèo Tây là loài thực vật thủy sinh. Một số địa phương sử dụng lục bình để làm thức ăn cho gia súc, ủ làm phân chuồng. Các cơ sở trồng nấm cũng tận dụng lục bình để ủ nấm, song năng suất hạn chế và kém chất lượng bởi lục bình hấp thụ kim loại nặng là chì và thủy ngân. Lục bình tự nhiên cũng có giá trị kinh tế như phơi khô bện, đan các mặt hàng thủ công, vật dụng trong gia đình…

Ông Nguyễn Đình Hòa (Sở NN-PTNT TP.HCM) cho biết, lục bình xuất hiện dày đặc từ thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ… theo dòng thủy triều đổ về các nhánh sông và kênh rạch. “Tác hại nguy hiểm có thể thấy trước mắt của lục bình là ô nhiễm nguồn nước, tắc nghẽn dòng chảy, chưa kể các hệ lụy khác cần phải có sự đánh giá của các nhà khoa học”, ông Hòa cảnh báo.

Bao giờ hết khổ vì lục bình?

Nhiều năm nay, chính quyền và các sở, ngành tại TP.HCM đã đưa ra không ít giải pháp xử lý vấn nạn lục bình nhưng xem ra vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Trước đó, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã đưa vào sử dụng máy vớt và cắt lục bình với chi phí thấp nhất, tuy nhiên kết quả vẫn không như mong muốn. Mới đây nhất, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng đã đầu tư ca nô chuyên dụng có lắp cần cẩu để vớt lục bình trên một số tuyến kênh chính như Tàu Hủ – Bến Nghé, Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tháng 3-2016, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh được UBND TP.HCM giao xử lý lục bình phát sinh trên địa bàn thành phố tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước. Được biết, công nghệ này được chuyển giao từ Sở KH-CN TP.HCM. Thời điểm này, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở TN-MT TP.HCM có kế hoạch phối hợp với 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh để ngăn chặn và xử lý lục bình. Thế nhưng, những mảnh đời bao năm sống trên sông, kênh rạch lại phải khổ sở tìm kế sinh nhai.

Để giải quyết khó khăn về kinh tế cũng như hiệu quả xử lý vấn nạn lục bình về lâu dài, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM đề xuất, thành phố cần mở rộng đầu tư theo hướng xã hội hóa. Chủ trương này sẽ giảm gánh nặng chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị. Lúc bấy giờ, việc đầu tư thế nào, hình thức trục vớt lục bình ra sao là chuyện của các nhà đầu tư tư nhân.

Bài, ảnh: Trần Trọng

Bình luận (0)