Ngành GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay vẫn còn một số ít giáo viên do hạn chế chuyên môn, nghiệp vụ, bế tắc trong việc học tập đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác chủ nhiệm nên đã áp dụng nhiều hình thức trách phạt không thích hợp với học sinh như: đuổi ra khỏi lớp, dùng đòn roi, cho quỳ gối, có lời nói không hay… Trong cuộc đời dạy học của mỗi giáo viên, chắc hẳn thầy cô nào cũng có đôi lần dùng hình phạt với học sinh, và tôi cũng vậy. Sau 38 năm công tác giảng dạy, đến giờ tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh em Nguyễn Trung Đông – một học sinh lớp 5 do tôi chủ nhiệm. Trong giờ viết chính tả, Đông đã dùng cây bút mực của mình đâm ngòi bút vào tay bạn Quang ngồi kế bên do bạn này lấy ngòi bút chấm vào bình mực của em. Khi nghe Quang kêu to “đau quá!”, tôi mới gọi Đông đứng dậy để hỏi rõ sự tình; tuy nhiên, em chẳng một chút lo sợ hay phản ứng lại lời nói của tôi mà ngồi im một chỗ, dứt khoát không đứng dậy, và từ chối trả lời mọi câu hỏi của tôi. Tức giận vì cho rằng Đông không nghe lời, trong một giây phút thiếu kiềm chế, tôi đã lấy quyển sách đang đọc chính tả cuộn tròn lại đánh mạnh vào đầu em và bảo: “Mời em ra khỏi lớp”. Nghe tôi nói vậy, Đông nhanh chóng đứng dậy rồi nhảy qua cửa sổ lớp đi thẳng về nhà mà không quay lại lấy tập, sách. Cuối giờ học, tôi hỏi các em học sinh trong lớp có biết vì sao hôm nay Đông có hành động không hay với bạn và không thèm trả lời khi thầy hỏi. Em lớp trưởng cho biết: “Em nghĩ chẳng qua vào lúc ra chơi, lớp chia hai nhóm chơi đá banh, hai bạn Đông và Quang khác phe, vì tranh banh quá quyết liệt, hơn nhau chuyện bên này thắng bên kia thua nên có lời trêu chọc nhau; từ đó hai bạn giận hờn và nói từ nay nghỉ chơi chung. Chắc vì thế mới ra chuyện đó. Còn không trả lời thầy, chắc bạn Đông nhận ra sai lầm của mình nên khó nói lời xin lỗi mà thôi”. Tôi nghe em lớp trưởng nói như vậy trong lòng thấy ân hận, giá như lúc đó tôi “nguội” một chút, đừng nóng giận thì chắc Đông sẽ trả lời, đã vậy tôi còn đánh quyển sách vào đầu và đuổi học em. Sau sự việc đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về bài học “kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” mà ngành giáo dục phát động bấy lâu nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, người thầy ngoài làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cho học sinh còn phải đóng vai là người anh, người chị gần gũi thương yêu các em.
Có thể nói trong đời dạy học của mình, tôi đã một lần sai khi dùng hình phạt với học sinh của mình.
Trần Văn Tám (TP.HCM)
Bình luận (0)