Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rằm tháng giêng: Giao thông an toàn, thông suốt!

Tạp Chí Giáo Dục

Rằm tháng giêng, đông đảo người dân trên địa bàn TP.HCM đến chùa hành hương, lễ Phật để cầu an, sức khỏe, sung túc cho một năm mới. Chính vì vậy mà tình trạng ùn tắc giao thông, mua bán lấn chiếm cổng chùa thường trở thành điểm nóng. Tuy nhiên năm nay, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể.

Người dân kiến nghị thiết kế vạch sơn bộ hành trước cổng chùa để việc lưu thông được an toàn

Có sự hỗ trợ về giao thông và an ninh trật tự

Cũng như mọi năm, dịp lễ rằm tháng giêng năm nay, người dân trên địa bàn TP.HCM chủ yếu đến lễ chùa vào chiều ngày 14 và 15 âm lịch (tức 21 và 22-2-2016). Tại các ngôi chùa lớn như Việt Nam Quốc Tự (quận 10), Vĩnh Nghiêm và Xá Lợi (quận 3), Phổ Quang (quận Tân Bình), Phước Viên (quận Bình Thạnh), Kim Liên (quận 4)… đã đón hàng ngàn người đến hành hương, lễ Phật… Cụ thể như tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) vào trưa ngày rằm, lượng người đổ về đây mỗi lúc càng đông… nhưng không xảy ra tình trạng kẹt xe như các năm trước.

Cụ thể như tình hình an ninh trật tự và giao thông trước cổng chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10), Ban quản lí chùa có sáng kiến phát nhang miễn phí cho người dân, tổ chức bãi giữ xe trong sân chùa, không cho những người bán hàng rong vào chùa để đảm bảo an ninh trật tự. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), những người bán nhang, các lễ vật cúng Phật cũng được cho vào bán trong sân chùa, các phương tiện lưu thông của người dân cũng được cho vào bãi giữ xe riêng trong khuôn viên. Đặc biệt ngôi chùa này còn được lực lượng công an, dân quân, trật tự túc trực liên tục và bảo vệ nghiêm ngặt nên không xảy ra tình trạng chèo kéo khách như mọi năm. Tình hình giao thông trước cổng chùa cũng được đảm bảo an toàn, thông suốt, không ùn tắc mà chỉ đông xe vào khoảng 8-8 giờ 30 tối ngày 15 âm lịch do thời gian này xe từ sân bay ra nhiều.

Cũng như chùa Vĩnh Nghiêm, nhiều ngôi chùa khác trên địa bàn thành phố cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để bố trí lực lượng bảo vệ tình hình trật tự, an ninh, giao thông cho người dân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không chỉ các ngôi chùa lớn mới đông người, ngay cả những ngôi chùa nhỏ cũng đông nghẹt trong những ngày này. Do đó chính quyền địa phương cũng đã lưu tâm hỗ trợ về an ninh trật tự cũng như trật tự giao thông, bằng cách cắt cử lực lượng tuyên truyền trong sân chùa nhằm giúp người dân cảnh giác tình trạng móc túi của các phần tử xấu. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần lưu tâm đến việc thiết kế vạch sơn bộ hành trước cổng chùa để giúp cho người dân lưu thông được an toàn hơn.

Cần cảnh giác với vấn nạn “sư giả”

Nhiều người dân kiến nghị, các cơ quan chức năng tại TP.HCM cũng cần lưu tâm đến việc thiết kế vạch sơn bộ hành trước cổng chùa để giúp cho người dân lưu thông được an toàn hơn.

Theo lời của một số người dân, tình trạng giả tu sĩ khất thực phi pháp trên địa bàn thành phố và cả ở Bình Dương trong thời gian gần đây là hiện tượng rất đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân cũng như hình ảnh của giới tu hành. Được biết những kẻ giả nhà sư thường tập trung nhiều ở khu vực Chợ Lớn (quận 5) và chùa Bà (Bình Dương) vào những ngày sau Tết cho tới ngày rằm do lợi dụng tâm lý người dân hay làm việc thiện trong các dịp lễ hội đầu năm.

Vụ phát hiện sư giả gần nhất mới xảy ra vào ngày 20-2 tại Bình Dương. Được biết, nhờ có sự giúp sức của những hiệp sĩ trong Đội Phòng chống tội phạm Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một nên các sư giả này đã bị lộ chân tướng khi đang “hành nghề” tại khu vực chùa Bà. Trong đó có đối tượng tên Trần Văn Khanh (39 tuổi). Khanh thừa nhận trước đây làm công nhân sản xuất giày tại TP.HCM, do quen biết nhiều người ở trọ cùng giả sư nên Khanh học theo. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì bị lộ diện trong một lần đi khất thực. Sau đó Khanh chuyển sang đi khất thực ở các tỉnh lân cận cho an toàn. Một “sư nữ” giả khác khai rằng do đã ly dị chồng, phải nuôi con nhỏ nên mua áo nhà sư và bát để giả sư khất thực kiếm tiền nuôi con…

Trước vấn nạn trên, Đại đức Thích Mỹ Ý (đại diện Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Thủ Dầu Một) khuyến cáo, các sư giả do không biết gì về kiến thức Phật giáo nên chỉ cần hỏi vài câu là sẽ lộ ngay chân tướng. Đại đức khẳng định, mặc dù khất thực là một hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nhưng hiện nay ở Bình Dương gần như không có nhà sư nào đi khất thực. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với những đối tượng giả danh để đi xin tiền.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Bình luận (0)