Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên thiếu niềm đam mê…

Tạp Chí Giáo Dục

Vì sao học sinh “chán ngán” môn lịch sử? Tôi xin được phép nói thẳng ra nguyên nhân phần lớn là do người dạy, người truyền thụ! Bởi ngay từ đầu, họ chọn ngành lịch sử vì không đi được các ngành khác. Học sư phạm môn lịch sử mà không say mê, không đam mê bộ môn thì chỉ làm “thợ dạy” mà thôi!

Mặt khác, người học ngành lịch sử mà không nhớ nổi một câu chuyện sử, một câu thơ, bài thơ liên quan (ở nước ta, văn và sử luôn song hành cùng dòng lịch sử) thì có gì để dạy, để liên hệ, để mở rộng kiến thức cho học sinh. Vì vậy, theo họ, cứ theo kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa là “chắc ăn”! Gặp những giáo viên này, giờ học sử trở thành giờ “tra tấn” đầy ám ảnh.

Không thể đổ lỗi cho đồng lương này khác mà mỗi giáo viên dạy lịch sử cần nghiêm khắc nhìn lại mình đã hội đủ điều kiện để dạy chưa, để thu hút học sinh học bộ môn chưa? Trách nhiệm của người dạy lịch sử mà lại để học sinh quay lưng lại môn sử là điều chúng ta cần tự vấn mình.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do phía người dạy. Rất ít, rất hiếm học sinh giỏi sử, thích sử đi học sư phạm ngành sử. Bề dày kiến thức, sự nhiệt tình; say mê tìm tòi, sáng tạo cách truyền thụ ở bộ môn lịch sử chưa có là bao. Dạy lịch sử mà chỉ chăm chăm vào bài trong sách giáo khoa thì làm sao học sinh thích được, mê được.

Thí dụ, học về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3-2-1930); nếu theo trong sách giáo khoa thì chỉ có những dòng chữ mà ai cũng đã nằm lòng. Nhưng nếu giáo viên biết liên hệ câu thơ của Tố Hữu trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng thì sinh động biết mấy: “Như đứa trẻ sinh nằm trong cỏ/ Không quê hương, sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay”.

Môn lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục học sinh lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tiếc thay, do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân về phía người dạy thiếu niềm đam mê đã khiến cho những “chủ nhân tương lai” của đất nước thờ ơ với môn lịch sử, thờ ơ với những thăng trầm lịch sử của cha ông.

Lê Đức Đồng
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

Bình luận (0)