Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Siêu hố đen oanh tạc Trái Đất bằng tia vũ trụ cực mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Nghiên cứu mới của các nhà thiên văn học chỉ ra Trái Đất thường xuyên chịu sự công phá của những hạt năng lượng cao trong tia vũ trụ, do hố đen siêu lớn ở trung tâm dải Ngân Hà sinh ra.
Tia vũ trụ mang năng lượng lớn thường xuyên bắn phá Trái Đất.
Tia vũ trụ mang năng lượng lớn thường xuyên bắn phá Trái Đất.
Trong nghiên cứu công bố hôm 16/3 trên tạp chí Nature, các nhà thiên văn điều hành Hệ thống Lập thể Năng lượng cao hay Đài thiên văn HESS ở Namibia cho biết lần đầu tiên họ có thể phát hiện nguồn tia vũ trụ. Nguồn này có thể phát ra tia vũ trụ với mức năng lượng lớn gấp 100 lần Máy gia tốc Lớn (CERN) ở biên giới Pháp và Thụy Sĩ.
"Cỗ máy khả thi nhất có thể thúc đẩy tia vũ trụ dạng này là siêu hố đen ở trung tâm dải Ngân Hà của chúng ta", Tech Times dẫn lời Gavin Rowell ở Đại học Adelaide, Australia, một thành viên nhóm nghiên cứu.
Trung tâm dải Ngân Hà là ngôi nhà của những vật thể có khả năng tạo ra tia vũ trụ năng lượng cao, bao gồm một tinh vân bao quanh ẩn tinh, tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh và cụm sao khổng lồ dày đặc. Tuy nhiên, nguồn khả thi nhất và nổi trội nhất là hố đen siêu lớn mang tên Sagittarius A*.
Tia vũ trụ tương tác với khí gas và ánh sáng, sản sinh tia gamma đi theo đường thẳng, không bị từ trường làm chệch hướng và đóng vai trò như một dấu vết. Trong một thập kỷ qua, các kính thiên văn ở HESS cung cấp bằng chứng trực tiếp về một nguồn tia gamma rất mạnh ở trung tâm dải Ngân Hà.
HESS đo lượng phát tia gamma trong vũ trụ. Từ đó, các nhà khoa học có thể suy ra quang phổ proton do siêu hố đen gia tốc. Sagittarius A* với khối lượng lớn gấp 4 – 5 triệu lần Mặt Trời, chắc chắn thúc đẩy những tia vũ trụ bắn phá Trái Đất.
Hoạt động dữ dội khiến khu vực vũ trụ này trở thành một trong những thiên thể sáng nhất trên bầu trời cho các nhà thiên văn nghiên cứu, từ sóng vô tuyến đến tia gamma năng lượng cao. Theo nhóm nghiên cứu, Sagittarius A* hoạt động mạnh hơn trong quá khứ, sau đó biến thành nguồn phát tia vũ trụ trong những quan sát ngày nay.
Hố đen là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để cho bất cứ một dạng vật chất nào – kể cả ánh sáng có thể thoát ra khỏi mặt biên của nó (chân trời sự kiện). Hố đen tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, từ những vật thể vũ trụ có khối lượng chỉ cỡ ngôi sao cho tới những "quái vật" có khối lượng siêu lớn nằm ở trung tâm của các dải thiên hà.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)