Tại buổi gặp gỡ thiếu nhi TP.HCM sáng 27-2, Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng yêu cầu: Tất cả các sở ban ngành phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thiếu nhi TP phát triển. Ảnh: Q.Huy |
Đó là gửi gắm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại chương trình “Lãnh đạo TP gặp gỡ thiếu nhi” do Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.HCM tổ chức ngày 27-2. Theo đó có 157 thiếu nhi đại diện cho 1,4 triệu thiếu nhi TP tham dự chương trình.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP – nói: Đây là dịp để lãnh đạo TP, các sở ban ngành lắng nghe ý kiến, chia sẻ của thiếu nhi. Các cháu hãy nói lên những vấn đề mình quan tâm, chia sẻ những mong muốn, nguyện vọng, thậm chí là đưa ra các đề xuất với tư cách là công dân trẻ của TP…
Gánh nặng… quá tải
Mặc dù từ nhiều năm nay, ngành GD-ĐT TP đã rất tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như thi cử nhằm giảm tải cho HS. Tuy vậy, tại chương trình “Lãnh đạo TP gặp gỡ thiếu nhi” vẫn còn không ít HS than thở về sự quá tải.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trả lời một số thắc mắc của HS TP |
Một HS ở Trường THCS Nguyễn Văn Luông, Q.6, tâm sự: “Những bài dài, bài khó, thầy cô nói rất nhiều nhưng HS không hiểu gì cả. Nhiều lúc chúng con có cảm giác như mình chỉ học vẹt…”.
Cũng ở Q.6, Mai Thị Yến (HS Trường THCS Đoàn Kết) cho biết: “Để hoàn thành tốt việc học thì thầy và trò, nhất là trò phải rất vất vả do chương trình quá tải. Chúng con mong muốn được phân phối lại chương trình học cho phù hợp với khả năng…”. Đồng thời, Yến cũng mong muốn các nhà trường không nên đặt nặng thành tích, điểm số như vậy sẽ làm cho HS thấy căng thẳng khi học.
Ngoài những trăn trở về vấn đề quá tải chương trình, các em HS còn quan ngại về sự lạc hậu, thiếu cập nhật của sách giáo khoa; thiếu sân chơi an toàn, thiếu hồ bơi cho thiếu nhi. Giang Thị Mộng Như (HS Trường Tiểu học Tân Tạo, Q.Bình Tân) mong muốn: “Cần đổi mới sách giáo khoa vì nhiều số liệu cũ. Bên cạnh đó, TP cũng cần xây dựng thêm hồ bơi và mở các lớp học bơi cho HS. Như hiện nay, vì thiếu hồ bơi mà nhiều HS không biết bơi, dẫn đến tình trạng đuối nước”.
Trịnh Ngọc Mỹ (lớp 7, Trường THPT Lương thế Vinh, Q.1) tâm tư: “Các bạn trẻ bây giờ được học rất nhiều, học ở trường và học ở các trung tâm. Thế nhưng các bạn học một đằng mà lại hành xử một nẻo. Các bạn học về bảo vệ môi trường nhưng vẫn xả rác bừa bãi, uống sữa xong thì ném hộp ra đường. Học đạo đức vừa xong là đã nói bậy, chửi thề…”.
Giải đáp những bức xúc, tâm tư của các em HS, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết: TP đã có nhiều giải pháp giảm tải cho HS như các chương trình ngoại khóa được tổ chức ở khu di tích lịch sử, công viên… Tuy nhiên, vẫn chưa phủ khắp 100% lớp học. “Với tư cách là người đứng đầu ngành GD-ĐT TP, thầy hứa với các em sẽ làm việc với các trường để lan tỏa việc đổi mới đến tất cả các lớp học”.
Đồng thời, ông Sơn cũng thừa nhận là sách giáo khoa chưa cập nhật kịp thời số liệu, địa lý. Hiện TP đang biên soạn một bộ sách giáo khoa mới phù hợp với điều kiện TP, theo hướng ứng dụng nhiều…
Về vấn đề hồ bơi, theo ông Sơn thì với những trường được xây mới nếu có điều kiện về đất thì sẽ xây hồ bơi. Hồ bơi của các trường không chỉ phục vụ HS của trường mà phục vụ cả HS các trường lân cận. TP cũng có chủ trương xã hội hóa hồ bơi để nhiều HS được phổ cập bơi lội.
Khiếp sợ… xe buýt
Một vấn đề khá “nóng” được rất nhiều HS “mách” với lãnh đạo TP là những bất cập của xe buýt. Không ít HS thừa nhận: Xe buýt là phương tiện lý tưởng để các em tới trường. Bởi phụ huynh của các em không có thời gian đưa đón. Thế nhưng xe buýt có quá nhiều vấn đề khiến các em không thể không bức xúc…
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Trần Trung Dũng trả lời một số thắc mắc của HS TP |
Trịnh Thu Phương (HS Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) thổ lộ: “Giờ tan trường đợi rất lâu mới có xe buýt nhưng khi lên xe thì quá nhiều người, đã thế trên xe còn chở cả hàng hóa. Hành khách hầu như không có chỗ ngồi, phải đứng chen chúc. Cũng có nhiều hôm cháu phải đi xe lam. Bữa nào ra trễ một chút là phải ngồi ở thành xe, bác tài chạy rất nhanh nhiều bữa cháu suýt té xuống đất…”. Nguyễn Phạm Hải Thuận (HS một trường ở Q.12) cũng bức xúc: “Mỗi khi thấy HS lên xe, bác tài và tiếp viên xe buýt rất khó chịu. Phải chăng là do vé của chúng cháu ít tiền hơn?”.
Từ thực tế này, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP – cho biết: “Từ nay đến tháng 6, Sở Giao thông vận tải TP sẽ tiến hành kiểm tra chấn chỉnh thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên trên xe buýt. Đồng thời, làm việc với trung tâm vận tải hành khách để xử phạt tài xế và chủ xe nhằm khắc phục tình trạng bỏ bến. Đối với hoạt động xe buýt, chủ trương của ngành là lấy hành khách làm trung tâm nên sẽ có nhiều giải pháp ưu tiên xe buýt lưu thông đảm bảo đúng giờ, thời gian xuất bến sớm hơn, nghỉ thì trễ hơn…”. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm: “Nhu cầu đi xe buýt của người dân nói chung, HS nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên vì rất nhiều lý do mà không thể đi. Do vậy, trong tuần tới, HĐND TP sẽ làm việc với UBND và Sở Giao thông vận tải về vấn đề này…”.
Ngoài ra, nhiều HS còn lo lắng về tệ nạn bắt cóc trẻ em khiến các em không dám ra đường một mình; rồi tai nạn giao thông, nhất là va quẹt xung quanh khu vực cổng trường mà nguyên nhân là do người lớn đi ẩu… Trấn an HS, ông Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP – khẳng định: “Công an TP có lực lượng chuyên trách và đã xử lý nhiều vụ bắt cóc trẻ em. Bên cạnh đó, Công an TP và GD-ĐT đã có liên tịch nhằm đảm bảo an toàn trường học”.
“Các cháu là chủ nhân của TP”
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Xây dựng TP thân yêu của chúng ta ngày càng đẹp hơn, tốt hơn là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo TP và của các cháu. Chúng ta có thể làm bạn để cùng nhau thực hiện mong muốn này…”.
Một HS ở Q.Tân Bình nêu ý kiến với lãnh đạo TP |
Ghi nhận những thành quả học tập, những việc làm trong năm qua của các cháu thiếu nhi, ông Thăng nói: “Kết quả học tập của các cháu đã góp phần vào thắng lợi TP”.
Lắng nghe những ý kiến đầy tinh thần trách nhiệm với TP của các cháu thiếu nhi, ông Thăng khẳng định: “Các cháu không phải là chủ nhân tương lai mà đang là chủ nhân của TP. Chú và các cô chú lãnh đạo TP mong các cháu sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đó là thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, học giỏi, chăm ngoan, không vứt rác bừa bãi… Thế hệ của các cháu là công dân toàn cầu thì phải giỏi tiếng Anh và công nghệ thông tin. TP chúng ta là TP năng động, sáng tạo nên các cháu phải giỏi ngoại ngữ, tin học có như vậy thì mới tự tin được. Không những thế, các cháu còn phải trang bị kỹ năng sống tốt để tự bảo vệ bản thân. Thiếu nhi TP mang tên Bác phải có thương hiệu riêng, đó là năng động hơn, sáng tạo hơn. Lãnh đạo TP rất mong các cháu cùng với thầy cô giáo thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP để xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…”.
Đồng thời, ông Thăng cũng đề nghị các sở ban ngành: “Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của đồng chí Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy) trong các buổi gặp gỡ trước đây. Cần công khai minh bạch những việc đã và chưa làm được với thiếu nhi. Chủ tịch UBND TP, HĐND TP rà soát lại các chính sách liên quan đến công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em để thiếu nhi TP được quan tâm đầy đủ hơn. Tất cả các sở ban ngành phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thiếu nhi TP phát triển…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)