HS, SV chen lổn nhổn nhau trên một chuyến xe buýt giờ cao điểm. Ảnh: I.T |
Sáng nào cũng vậy, tôi đứng đợi bắt xe buýt đi làm tại một trạm trên đường Lê Văn Việt, thuộc phường Hiệp Phú, quận 9. Tuyến buýt số 56 tôi đi là Chợ Lớn – ĐH Giao thông vận tải, với quãng đường dài tới trên 23km, lại chạy xuyên qua trung tâm TP cũng như nhiều trường ĐH, CĐ, khu dân cư đông đúc, vì vậy mà lượng khách lúc nào cũng đông, kể cả giờ thấp điểm.
Khung giờ cao điểm buổi sáng, từ 6-7 giờ khách luôn quá tải, đông đến mức khủng khiếp, khi chỉ cần chạy qua dăm bảy trạm chờ là lượng khách lên đã đông như nêm, chật cứng, khiến cho các trạm kế tiếp tài xế không thể dừng xe để đón thêm được khách lên xe nữa. Chính vì lẽ đó mà những khách đứng chờ xe ở các trạm… kế tiếp ấy cứ đứng chôn chân và dài cổ mà chờ đợi! Thế nhưng, trong khung giờ mà sinh viên, học sinh đi học, rồi mọi người đi làm ấy, dường như chuyến nào cũng trong tình trạng quá tải khách như vậy, nên đã dẫn tới thực trạng quá nhiều khách không thể đón được xe, mặc dù có đến cả dăm bảy xe của tuyến ấy đi qua. Mặc dù đã lường trước và cố tình tránh khung thời gian cao điểm ấy ra, hoặc là đi làm sớm hơn, hoặc là bắt xe muộn hơn, nhưng không ít hôm tôi vẫn phải chịu chung thực trạng xe buýt bỏ trạm vì… quá tải!
Chẳng riêng gì tuyến số 56, mà tất cả các tuyến buýt chạy qua trạm mà tôi hay đứng bắt xe ấy, như tuyến số 57, 55, 76, 61-1… cũng đều trong tình cảnh quá tải khách tương tự. Chị Nguyễn Thị Hương, hành khách thường đi trên tuyến buýt số 57 phàn nàn rằng, hầu như sáng nào cũng phải đứng mỏi chân chờ 4-5 lượt xe của tuyến đi qua mới bắt được xe đi làm. Có những hôm, tài xế dừng để đón khách nhưng vì khách trên xe quá đông rồi nên những khách phía dưới không thể chen chân nổi mà lên nên đành phải xuống lại để chờ xe sau. Cứ thế, vài ba xe sau đều đông như vậy nên khách muộn giờ làm thường xuyên không có gì là lạ… Chị Hương nói: “Chắc phải đi làm bằng xe máy thôi chứ chờ xe buýt kiểu này nản quá!”.
Ngay như con trai một người bạn tôi, nhà ở quận Thủ Đức, cháu hiện đang học cấp 3 ở quận Tân Bình, và hàng ngày phương tiện đi lại là tuyến buýt số 08 (Bến xe Quận 8 – ĐH Quốc gia TP.HCM). Do vào giờ đi học xe buýt hay quá tải, xe bỏ trạm liên miên khiến cho việc tới lớp đúng giờ là rất khó, vì vậy đành bỏ buýt, mẹ cu cậu đã phải chuyển qua mua xe đạp cho cháu đi với mong muốn chủ động hơn về giờ giấc, dẫu việc đi lại có xa xôi mệt mỏi hơn, nhưng đành phải chấp nhận phương cách đó.
Xe buýt của TP đang thực sự quá tải vào giờ cao điểm khiến cho hành khách ngày một chán nản. Theo như tôi biết, năm nay lượng khách sử dụng phương tiện buýt ở TP giảm hơn so với năm trước, ngoài các yếu tố khác ra thì nguyên nhân một phần cũng là do xe quá tải, khách cảm thấy không thuận tiện trong việc đi lại, nên họ bỏ xe buýt để chuyển qua tìm phương cách khác để đi lại.
Đây là một dấu hiệu không tích cực khi chúng ta đã và đang khuyến khích mọi người đi xe buýt để giảm ách tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ, nếu như các HTX, công ty, xí nghiệp vận tải xe buýt của TP không nhanh chóng đưa ra các giải pháp hợp lý cho vấn đề xe buýt quá tải thì chắc chắn lượng khách sẽ ngày một giảm nhiều. Theo tôi, ngoài việc trang bị cơ sở vật chất là những chiếc xe buýt mới, hiện đại cùng phong cách phục vụ chu đáo nhiệt tình của đội ngũ lái, phụ xe, thì cách giải quyết cho việc xe quá tải khách lúc giờ cao điểm là cấp thiết hơn bao giờ. Vẫn biết là vào khung giờ cao điểm các tuyến buýt đều có khoảng cách giãn giờ chạy xe thu hẹp hơn so với khung giờ thấp điểm, nhưng cần phải thu hẹp hơn nữa, khoảng 3-5 phút, chứ không thể cứng nhắc trong khoảng từ 7-10 phút cho một chuyến xe/tuyến. Tôi đảm bảo rằng, nếu các tuyến buýt đông đúc như số 56 chẳng hạn, khi thời lượng chạy xe rút xuống khoảng 3-5 phút/chuyến, vào giờ cao điểm thì sẽ giải quyết được tức thì tình trạng quá tải khách, bởi một khi lượng xe chạy dày như thế thì khách chỉ có thể nhỡ 1 hoặc 2 chuyến là cùng, chứ không thể nhỡ tới 5-7 chuyến mới đón được xe như hiện nay.
Nguyễn Việt Hà (Quận 9, TP.HCM)
Bình luận (0)