Phụ huynh và HS Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh của trường |
Để hút được người học, nhiều trường ĐH đã “lăn xả” đi đến tận các trường THPT để tư vấn cho thí sinh. Trường không có điều kiện thì lập riêng một trang facebook để tương tác. Tuy nhiên, vẫn còn trường có tâm lý “tự vỗ ngực”: thí sinh sẽ phải tìm đến mình.
Tương tác với thí sinh qua facebook
Bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2015, ĐH Thủy lợi đã lập riêng trang facebook Tư vấn thi và tuyển sinh Trường ĐH Thủy lợi để giải đáp những thắc mắc của thí sinh và phụ huynh. Lãnh đạo Phòng Đào tạo của trường cho biết, năm 2015, trường đã nhận được rất nhiều thắc mắc của thí sinh chủ yếu liên quan đến điểm, cách xét tuyển và cơ hội làm việc sau khi ra trường. Vị lãnh đạo này cũng cho biết, chỉ tính đến thời điểm hiện tại, khi mùa tuyển sinh mới rục rịch bắt đầu, trang facebook này của trường đã có 1.659 lượt truy cập và gửi ý kiến. Trường cũng yêu cầu cán bộ, giảng viên phụ trách Phòng Đào tạo “canh” 24/24 để tư vấn cho thí sinh. ĐH Thủy lợi năm nay tuyển 3.700 chỉ tiêu, trường chỉ lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức. Trường xét tuyển 3 tổ hợp: Toán, hóa, lý (A); toán, lý, Anh (A1) và toán, hóa, Anh. Ông Mạc Văn Tạo, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết năm 2016, trường có thêm 2 mã ngành mới là kinh tế đầu tư (trước là chuyên ngành, năm nay chuyển thành ngành đào tạo) và kinh tế công bằng tiếng Anh. Hàng năm, trường đều nhận được sự quan tâm của phụ huynh và thí sinh. Cách đây 3 năm, trên trang mạng xã hội facebook, trường đã tạo trang tư vấn tuyển sinh NEU để phụ huynh và thí sinh có thể tương tác trực tiếp với trường. Năm 2015 đã có khoảng 15.000-16.000 thành viên tham gia. “Đây là cách tương tác rất hữu ích. Cán bộ tuyển sinh của trường phân công nhau tương tác với thí sinh 24/24. Câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm nhất qua mỗi mùa tuyển sinh là các ngành đào tạo, cơ hội việc làm khi ra trường” – ông Tạo cho biết. Năm 2016, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 4.800 chỉ tiêu ĐH chính quy. Đối với tuyển thẳng, trường tuyển thẳng các đối tượng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, điểm mới của năm nay là tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia, trong đó có môn toán và 2 môn bất kỳ, đạt 27 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên. ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến điểm nhận hồ sơ xét tuyển sẽ cao hơn điểm ngưỡng quy định chất lượng tối thiểu của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.
Trường thờ ơ
Vừa qua, Trường THCS& THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Ngày hội tư vấn và tuyển sinh cho học sinh lớp 12 của trường. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay đã có 30 trường ĐH và các cơ sở đào tạo tham gia tư vấn cho học sinh của trường. Đây là năm thứ 4 trường tổ chức ngày hội ý nghĩa này cho học sinh. Bà Thu Anh cũng cho biết, năm nay, bà đã mời được một số trường ĐH lớn tại Hà Nội tham gia tư vấn cho thí sinh như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội… Tuy nhiên, có điều băn khoăn là có những trường bà đến mời họ tới tư vấn, họ thẳng thừng trả lời không có nhu cầu vì biết thí sinh sẽ tự tìm đến trường. 4 năm tổ chức ngày hội tư vấn, năm nào bà Thu Anh cũng đến đặt vấn đề với các trường ĐH. Các trường không mất kinh phí nhưng không phải trường nào cũng sẵn sàng phục vụ thí sinh. Điều này quả thật có khác so với các trường trên thế giới. Hiện nay, các ĐH của thế giới vào Việt Nam để tìm kiếm nguồn tuyển rất nhiều. Họ phải tự bỏ tiền, tự liên hệ từ cấp bộ tới cấp sở để được đến các trường phổ thông của Việt Nam tìm kiếm nguồn tuyển, thậm chí họ còn đưa ra các mức học bổng hấp dẫn nếu ứng viên đạt yêu cầu của họ. Nhưng ở Việt Nam thì có vẻ như vẫn còn tư duy “bao cấp”, lúc nào cũng nghĩ đã là trường lớn, thí sinh sẽ phải tự tìm đến. Chính vì vậy, chỉ có các trường ĐH ngoài công lập, các trường khó tuyển sinh mới cử cán bộ đào tạo của mình về tận các trường phổ thông để tư vấn. Còn các trường lớn, cùng lắm họ chỉ làm ngày hội tư vấn tuyển sinh với các đơn vị truyền thông. Họ thực sự chưa có nhu cầu phải quảng bá hình ảnh, phải “lăn mình” đến tìm người học.
Nhưng có lẽ thực tế này sẽ không thể tồn tại lâu được nữa. Bởi với xu thế hội nhập, các trường sẽ phải cạnh tranh, không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế. Nếu cứ tự “vỗ ngực”, chắc chắn sẽ khó tuyển sinh.
Thiên Lam
Bình luận (0)