Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ trang sử này, chúng tôi đi…

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm 1974, lúc ấy chúng tôi đang học lớp 10 (hệ 10 năm ở miền Bắc); khí thế tòng quân của tuổi trẻ dâng cao mãnh liệt. Những bài học trong giờ “lịch sử” thuở ấy sao mà thiêng liêng đến thế! Thầy giáo dạy sử dõng dạc cất lên lời văn trong bài Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu); làm rung vang lên từng câu giữa dòng chảy lịch sử của cha ông giữ nước: “Giặc tan, muôn thuở thanh bình/ Phải đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.

Những giờ lịch sử đã đưa chúng tôi ngược dòng năm tháng, trở về với những năm tháng hào hùng của truyền thống dựng nước và giữ nước. Những chiến công lẫy lừng của cha ông, của từng thế hệ nối tiếp đã viết nên trang sử vinh quang của dân tộc Việt Nam.

Thầy dạy sử đã nhóm lên trong tim chúng tôi ngọn lửa say mê bộ môn; lòng tự hào về đất nước anh hùng, về dân tộc Việt Nam bền gan dựng nước và giữ nước. Thầy luôn liên hệ những câu chuyện thời sự, những giai thoại lịch sử về tài ứng đối của cha ông xưa cũng như của các bậc hiền tài nhằm bảo vệ danh dự của dân tộc… Nhiều khi là những câu ca dao về một thời thịnh trị, thanh bình của đất nước đã làm chúng tôi nhớ mãi tới bây giờ: “Đời vua Thái tổ, Thái tông/ Lúa chín đầy đồng, cơm chẳng muốn ăn”. Hoặc một thời đau khổ của dân ta dưới chế độ phong kiến tàn bạo bởi phu phen, tạp dịch triền miên: “Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”…

Môn lịch sử đã góp phần vun đắp tâm hồn cho bao thế hệ; vun đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc lòng yêu nước thương nòi và môn lịch sử cũng góp phần khơi dậy mạch ngầm của tinh thần đoàn kết; lòng yêu thương nhau vốn có tự ngàn xưa của dân tộc Việt Nam, của dòng giống tiên rồng…

Từ những trang sử ấy, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân cứu nước cứu nhà với tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”. Chúng tôi vào trận thật hăm hở, thấy cái gì cũng đẹp, cũng lung linh “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”… Từ trang sử được học trong nhà trường, chúng tôi lên đường mà không có chút gì so đo, tính toán. Bởi tuổi trẻ thời chiến phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc!

Có người hỏi bây giờ học sử để làm gì? Xin thưa, học sử để trở nên con người biết cội nguồn, có lòng yêu nước thương nòi; có trách nhiệm trước cuộc sống hôm nay và ngày mai. Giữa cuộc sống hôm nay lại càng cần học sử để con người không ngừng tự hoàn thiện mình. Tâm hồn sẽ khô cằn nếu không có chút kiến thức về lịch sử đất nước. Mong các nhà biên soạn lịch sử hãy toàn tâm toàn ý; rất cần cả lòng trung thực, lòng dũng cảm để có những dòng sử đúng, hấp dẫn như lịch sử đã xảy ra cho hôm nay và cho mai sau…

Lê Lam Hồng
(THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)

Bình luận (0)