Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mùa “bắt chồng” của thiếu nữ Kơ Ho

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hôn nhân của người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nói chung, người Kơ Ho ở Lâm Đồng nói riêng từ bao đời nay tồn tại tục “bắt chồng”.

Trai – gái Kơ Ho vui chơi trong mùa lễ hội

Phụ nữ Kơ Ho giữ vai trò trụ cột trong gia đình

Theo tục lệ của người Kơ Ho, khi con gái đến tuổi lấy chồng chủ động tìm hiểu người “bạn đời” và tự quyết định hôn nhân của mình. Chẳng biết từ bao giờ, tục “bắt chồng” trở thành quy tắc, luật tục bất di bất dịch và được truyền từ đời này qua đời khác trong cộng đồng người Kơ Ho ở Lâm Đồng. Theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ Kơ Ho giữ vai trò trụ cột trong gia đình, quyết định những vấn đề hệ trọng, kể cả việc đi “bắt chồng” về chung sống với mình. Theo quan niệm của người Kơ Ho, con gái quý hơn con trai “con gái là hạt lúa, con trai chỉ là hạt gạo” nên con gái chủ động đi tìm và “bắt chồng” còn con trai trở thành “dâu” của nhà… gái. Tuy nhiên, nếu không “ưng bụng”, thì người con trai có quyền từ chối; Và, đằng sau việc các “chàng dâu” từ chối người đi bắt mình làm chồng ấy cũng lắm chuyện nhiêu khê và hệ lụy phiền hà…

Tục “bắt chồng” đã tồn tại xưa nay là nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào DTTS Tây Nguyên; Nhưng còn tục “thách cưới” với những biến tướng mang yếu tố thương mại đã và đang gây nhiều hệ lụy nặng nề cần xóa bỏ. Có như vậy, đời sống hôn nhân của người Kơ Ho và đồng bào các DTTS Tây Nguyên mới không còn là nỗi “ám ảnh” không đáng có…

Mùa “bắt chồng” của thiếu nữ Kơ Ho thường diễn ra từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hàng năm. Thời điểm này trên những cánh đồng lúa đã gặt xong, thóc vàng được mang về chất đầy kho; những trái cà phê óng mật cuối mùa cũng đã được hái, phơi khô chất trong góc nhà chờ được giá để đổi bán thu tiền. Cùng với niềm vui dân làng mở hội mừng lúa mới, các cô gái chàng trai (đã rảnh rỗi) nên dành cho nhau những cuộc hẹn hò, tình tự…

Già làng K’Ghíu, thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết: “Sau mỗi mùa cà phê, các cô gái đến tuổi cặp kê rủ nhau đi làm đẹp, chỉnh trang thân hình, mua sắm trang phục và đi chơi cùng nhóm bạn trong buôn. Sau một vài lần hẹn hò, trò chuyện với các chàng trai và khi thấy “ưng bụng” người con trai nào đó, người con gái chủ động đòi cha mẹ đến nhà người mình yêu đặt vấn đề “bắt chồng”… Già làng K’Ghíu nhớ lại: Ngày trước trai gái không được tán tỉnh nhau, chỉ cần thấy ưng “cái bụng” anh chàng nào thì nhờ người biết cách ăn nói đến nhà trai hỏi xem họ có đồng ý lấy mình không? Đặc biệt, việc “bắt chồng” phải tiến hành vào ban đêm; theo lý giải của người Kơ Ho: Ban đêm là thời điểm gia đình nhà trai có mặt đầy đủ ở nhà mới nói chuyện được; lý do khác, đi “bắt chồng” vào ban đêm để giữ danh dự cho cô gái; bởi nếu lỡ nhà trai không đồng ý (không cho bắt con trai), cô gái cũng đỡ xấu hổ với mọi người…

Tục “thách cưới”

Dù đến nay đã có nhiều thay đổi trong tư duy và lối sống; song, tục lệ hôn nhân của người Kơ Ho ngày nay vẫn còn rất rườm rà, tốn kém tiền của gia đình có con gái kể cả gia đình có con trai. Không giống như người Kinh, khi bị từ chối việc cầu hôn tỏ ra tự ái bỏ về và thôi luôn, ngược lại người Kơ Ho vẫn hy vọng vào “lần sau” lại đến để thuyết phục nhà trai thêm lần nữa (hoặc nhiều lần). Bởi một quy tắc bất thành văn của người Kơ Ho là người con trai đang trong thời gian có người con gái săn “bắt” về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác; đồng thời cũng không cho phép bất cứ người con gái nào khác đặt vấn đề “bắt” người con trai này về làm chồng!

Tục “thách cưới” trong hôn nhân của người Kơ Ho thường có hai nguyên nhân: Một là khi nhà trai không đồng ý “gả” con thì nhà trai thách cưới rất cao (đặt giá cao) cốt để nhà gái không đủ lễ vật (trâu, bò, lợn, gà, vòng đeo, chum, chóe, tiền…) mà “rút lui”; hai là “thách cưới” cao để thu nhiều của cải cho gia đình nhà trai và họ hàng nhà trai. Các già làng người Kơ Ho ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, tục thách cưới của người Kơ Ho – nói riêng, các DTTS ở Tây Nguyên có tự ngàn xưa; nhưng ngày xưa người ta thách cưới chủ yếu theo phong tục. Nếu như trước kia, khi nhà gái đến xin “bắt chồng”, nhà trai thường thách cưới lễ vật là trâu, bò, lợn… ngày nay họ sẽ thách cưới bằng tiền và vàng. Muốn “bắt” được chồng nhà gái phải có ít nhất hai cây vàng (chưa kể những lễ vật phụ khác). Gần đây, ở huyện Di Linh, nhiều gia đình người Kơ Ho có con trai đến tuổi được “bắt chồng” đã thách cưới số tiền cả vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, nếu chàng trai có học hành bằng cấp cao (cử nhân, thạc sĩ…) hoặc có cha, mẹ làm cán bộ thì “giá” càng cao hơn(!). Và, ngoài việc cha mẹ chồng được thách cưới, anh, em, cô, cậu, chú, bác của chàng trai cũng có quyền yêu cầu nhà gái phải tặng cho mình vật phẩm để tỏ sự hiếu thảo…

Còn đối với những cuộc “bắt chồng” không thành công, bị từ chối thì nhà trai coi như đã làm tổn thương danh dự nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường danh dự bằng tiền hoặc đồ vật có giá trị… Một thiếu nữ Kơ Ho ở Di Linh tâm sự: “Có nhiều cuộc “bắt chồng” kéo dài đến mấy tháng trời mà vẫn không thành công. Sau những lần “bắt chồng” không thành, gia đình nhà trai tuy không bị “mất” con nhưng thiệt hại nặng nề về tiền bạc và thời gian… Một thực tại đáng buồn xuất phát từ những tục lệ ràng buộc, rườm rà mang “hơi hướng thương mại” này là nhiều cô gái Kơ Ho sau khi bắt được chồng thì trâu, bò, lợn, gà, chum chóe… hết sạch; kho chứa lúa, cà phê cũng rỗng không; có gia đình phải đi vay mượn “nộp” cho nhà trai để rồi phải thiếu nợ kéo dài…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

Bình luận (0)