Đó là nhận xét của các chuyên gia trong một thảo luận nhân sự kiện gặp gỡ toán học mới đây do Viện Toán học – Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN và những người bạn tổ chức.
Các chuyên gia cho rằng đào tạo ĐH ngành toán hiện nay quá kém và đây là một nguy cơ cho chất lượng nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0.
Nhiều chuyên gia cho rằng đào tạo toán ở ĐH của VN kém mọi mặt so với thế giới chứ không chỉ riêng toán ứng dụng Ảnh: Quý Hiên
Đào tạo ở ĐH rất yếu
Theo GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, hiện nay cả nước chỉ có khoảng hơn 30 trường ĐH có đào tạo cử nhân toán, trong đó 17 trường có khoa toán. Cả nước có khoảng 1.000 tiến sĩ toán, trong đó chỉ khoảng 400 người giảng dạy trong các trường ĐH. Mặc dù số lượng người tham gia viết bài và công bố trên các tạp chí quốc tế vẫn tăng hằng năm nhưng tổng số lượng bài chỉ bằng của một trường ĐH loại tốt của thế giới. “Nếu chia ra bình quân 400 tiến sĩ đang tham gia giảng dạy cho hơn 400 trường ĐH, CĐ thì mỗi trường chưa có được một tiến sĩ toán. So với thế giới thì đây là một con số bình quân không thể thấp hơn được”, GS Hoa nhận xét.
Cũng theo GS Hoa, tuy so với khu vực Đông Nam Á hiện nay toán học VN chỉ thua Singapore nhưng so với thế giới thì còn rất yếu. Đào tạo đỉnh cao ở phổ thông có thể là tốt nhưng đào tạo ĐH thì yếu, đặc biệt từ khi bước vào nền kinh tế thị trường. Đào tạo sau tiến sĩ thì hầu như không có, ứng dụng thì rất kém. GS Hoa nói: “Như vậy, so với thế giới thì toán học VN cái gì cũng kém, cả lý thuyết, cả ứng dụng”.
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nhận xét trong khi toán phổ thông dạy quá thừa, quá cao siêu, thì toán ĐH lại quá thiếu.
Còn GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, thì khẳng định chính toán phổ thông hiện nay không ổn. Học sinh VN hiện nay học toán chỉ bằng 2/3 Thái Lan, 1/2 Trung Quốc. Những cái “thừa” chẳng qua là do cả hệ thống dồn vào việc giải bài tập, hiệu ứng từ cái kiểu học luyện thi, chứ thực chất nội dung chương trình của ta so với các nước là nghèo nàn. Học sinh chỉ được học công thức thuần túy chứ không được học suy luận, thành ra năng lực tư duy rất yếu khi vào ĐH. Còn đào tạo toán ĐH nói chung, toán ứng dụng kém là do nền kinh tế, do thị trường lao động không có nhu cầu, học ĐH toán ra không có việc làm.
Không có ứng dụng tin học nào ra hồn
Ông Bùi Quang Ngọc đặt vấn đề: “Tại sao trong công nghệ thông tin chúng ta không có một hệ thống nào nên hồn? Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, chúng ta động đến rất nhiều tới tin học, vậy mà chỉ có một số ứng dụng ăn theo, còn tất cả đều phải dùng các sản phẩm của nước ngoài. Chúng ta không làm được những hệ thống hay, lớn, ít lỗi, chạy nhanh, có tính toàn cầu… bởi vì những người làm tin của chúng ta kém toán”.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức giáo dục FPT, cho biết vì nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo ĐH ngành toán với công nghệ thông tin nên cơ quan này đã quyết tâm đầu tư cho toán, với mức ước tính khoảng 1 triệu USD/năm. “Để góp phần phát triển ngành toán VN, điều chúng tôi trăn trở nhất là làm sao phải có đầu vào giỏi, vì đó là điều kiện tiên quyết để có chất lượng cao. Học toán mà đầu vào thấp thì chúng tôi rất nghi ngờ về chất lượng đào tạo”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, khẳng định tầm quan trọng của toán đối với sự phát triển của xã hội, nhiều doanh nghiệp cho biết họ được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn nhân lực xuất thân từ giới học toán, làm toán.
Quý Hiên (TNO)
Bình luận (0)