Hội nhậpGiáo dục phát triển

Thực tiễn dạy học hội họa từ góc nhìn của một đơn vị

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm qua, đã có nhiều đơn vị hoạt động dạy học lĩnh vực hội họa được chúng tôi đăng tải, đề cập trên tờ báo chuyên ngành giáo dục này. Tuy nhiên, ấn tượng với chúng tôi hơn cả, có lẽ vẫn là cái tên Do Art. Do Art được thành lập và phát triển bởi một kiến trúc sư trẻ mang tên Trần Ngọc Hải. Từ một chàng thanh niên 18 tuổi, ngày nào còn bỡ ngỡ vào Sài Gòn làm sinh viên tại Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và tốt nghiệp khi 23 tuổi – cái tuổi với bao hoài bão, ước vọng. Rồi một ngày nọ, sau bao ngày ấp ủ, chàng giám đốc trẻ đã bắt tay vào thực hiện, tạo dựng chuỗi hệ thống dạy học hội họa. Dưới cái nắng tháng 3 của Sài thành, chúng tôi đã có dịp trở lại thăm các cơ sở của anh và càng thấy rõ hơn nữa sự phát triển của đơn vị và cái tâm, “lửa” nghề chưa bao giờ vơi trong con người này.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Hải
* Chào anh, sau bao năm thành lập và mở thêm các cơ sở dạy học hội họa, với anh sự được mất ở đây là gì?
– Kiến trúc sư Trần Ngọc Hải: Những ngày đầu, mình mất khá nhiều thời gian và công sức để phát triển các cơ sở dạy học. Mình cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, vì không biết học viên, phụ huynh có tin tưởng vào cơ sở của mình không và nhiều thứ phải lo lắng khác như: tuyển giáo viên, tìm địa điểm… Tuy nhiên, điều mà mình lo lắng hơn cả có lẽ là việc chọn được hướng đi sao cho khác với những đơn vị đã có từ trước. Giờ nhìn lại quãng thời gian đã qua, mình cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, tạo dựng niềm tin từ phía học viên, phụ huynh bằng việc dạy – học thực chất, không màu mè.
* Có người cho rằng: việc vẽ tay đã không còn thịnh hành vì công nghệ có thể làm thay con người những việc phức tạp đó, anh nghĩ gì về điều này?
– Đúng là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, máy móc, công nghệ nói chung có thể làm thay con người rất nhiều việc trong đó có cả những việc tưởng phức tạp như: vẽ tranh, tạo hình, kiểu dáng… Việc làm này sẽ giúp chúng ta bớt được thời gian kéo dài từ những công việc này tuy nhiên việc lạm dụng nó sẽ làm giảm tính sáng tạo, làm con người trở nên ỷ lại, phụ thuộc vào máy móc, công nghệ. Lúc đó, việc vẽ tranh không còn đơn thuần là sự kỳ cọ, tẩy xóa bằng những đường chì, nét cọ mà thay vào đó là sự lắp ghép, chắp vá hình ảnh, đường nét để sao cho ra một sản phẩm, một bức tranh, một kiểu dáng… cũng mang tính sáng tạo đấy nhưng mà sáng tạo dựa trên những cái có sẵn không như cách vẽ bằng tay, bắt buộc chúng ta phải tự nghĩ, tự tạo ra nó và sao cho thành một tác phẩm nghệ thuật. 
– Việc dùng tay để vẽ ngoài đạt được mục đích mà mình hướng đến thì nó còn có cái “thú” riêng không lẫn vào đâu được so với các loại hình nghệ thuật khác. Đồng thời, nếu không bàn đến yếu tố nghệ thuật thì hội họa còn là nơi để mọi người, mọi lứa tuổi có thể thư giãn, giải trí; đó có thể là những hình vẽ nghịch ngợm, ngộ nghĩnh hay có phần “lóng ngóng”, tựu trung lại đôi khi vẽ vời là để cho vui…
* Anh có suy nghĩ gì về xu thế của ngành mỹ thuật, hội họa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
– Như có đề cập ở trên, máy móc, công nghệ sẽ giúp cho ngành mỹ thuật, thiết kế, hội họa sang trang mới, nhiều kiểu dáng công nghiệp, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm sẽ được ra đời hàng loạt trong khoảng thời gian ngắn. Đây là ưu thế của việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào hội họa, thiết kế, phù hợp với nhu cầu, xu thế tất yếu của thời đại mới. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề đáng để chúng ta lưu tâm khi ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật hội họa bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo và kỹ thuật vẽ. “Sống lâu nên lão làng”, ông bà ta đã nói vậy và cũng thật đúng với bộ môn này. Khi chúng ta tiếp cận, thực hành vẽ tay với mật độ càng dày, càng nhiều thì kinh nghiệm và kỹ năng càng vững, nhanh nhạy trong xử lý một vấn đề nào đó có liên quan.
Một buổi học vẽ tại Do Art
* Như vậy, theo anh, trong tương lai, việc vẽ tay có còn là hình thức thể hiện mang tính đặc thù của lĩnh vực này?
– Một lúc nào đó, có thể xung quanh chúng ta không còn nhìn thấy hình ảnh những con người tỷ mỷ, cặm cụi bên giá vẽ. Không còn thấy sự lấm lem của màu trên đôi bàn tay, những giọt mồ hôi rơi trên giấy vì máy móc, công nghệ đã làm thay con người. Tuy nhiên, để có những bức tranh mang tính điêu luyện, điệu nghệ, có “hồn”, có thần thái, mang phong cách độc đáo, riêng biệt của cá nhân thì chỉ có vẽ tay mới làm được và đây cũng chính là ưu điểm của hình thức này.
* Xin cảm ơn anh!
Trúc Đào (thực hiện)

Bình luận (0)