Khu bán thuốc Đông y trên đường Triệu Quang Phục Q.5 ( ảnh chụp sáng 3-3) |
Mua thuốc Đông y mà không cần toa, không qua thăm khám… là thói quen của nhiều người. Mặt khác, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc Đông y cũng dễ dàng tư vấn, bán thuốc cho người bệnh mà không cần khám, chẩn đoán hoặc toa thuốc.
Coi chừng tiền mất tật mang
Chị Thanh Hằng (nhà quận 3, TP.HCM) bị viêm xoang mãn tính. Cứ thay đổi thời tiết hoặc đi nắng là bị đau đỉnh đầu, điều trị nhiều nơi bệnh vẫn không thuyên giảm. Được vài người mách bảo uống hợp thuốc Đông y sẽ khỏi vì thế chị bèn ra nhà thuốc S. (Lương Nhữ Học, Q.5) mua thuốc phiến (thuốc thang) về sắc uống mong bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, uống hết 1 tháng, sau đó ngưng thuốc thì bệnh tình lại quay trở lại.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, 30% dược phẩm đang được lưu hành trên thị trường có chứa nấm mốc nhất là aflantoxin. Độc tố này có trong dược liệu gây tổn thương gan, ung thư gan. |
“Bệnh chỉ thuyên giảm trong thời gian sử dụng thuốc, sau khi hết thuốc, bệnh tình lại trở lại bình thường nên tôi không mua nữa”, chị Hằng cho biết. Theo chị Hằng, qua lời kể của chị về bệnh sử, chủ nhà thuốc đã tư vấn chị uống thuốc viên kết hợp với thuốc phiến mà không cần khám, chẩn đoán. Số tiền mua 2 loại thuốc cho 1 tháng khoảng 700 ngàn đồng.
Trong vai người đi mua thuốc gai cột sống hộ cho người lớn tuổi tận ngoài miền Bắc, chúng tôi được chủ nhà thuốc T. (đường Lương Nhữ Học, Q.5), tư vấn uống thuốc viên (thuốc thành phẩm). Đưa ra 3 lọ với giá từ 50 đến 80 ngàn đồng, chị bảo uống thử, không khỏi thì mua thuốc phiến về sắc. Một phiến 75 ngàn đồng, mới bị bệnh thì uống ít có thể hết. Ngược lại bị bệnh đã lâu thì phải uống dài dài.
Ở lọ thuốc 50 ngàn đồng có viên nén dạng viên con nhộng. Thành phần, công dụng, cách dùng thì chỉ ghi tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Chúng tôi nhờ chị bán hàng đọc giúp hướng dẫn, chị tỏ ra lúng túng một lúc và chỉ căn cứ vài con số trên nhãn mác rồi nói ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên chứ không nói được các chỉ định khác. Thấy chúng tôi hơi lo ngại, chị bán hàng nhanh nhảu: “Em yên tâm, thuốc bài chế từ dược liệu cả, không lo tác dụng phụ gì đâu”. Khi được hỏi, huyết áp thấp liệu uống có sao không, chị trấn an: “Không sao, huyết áp thấp hay cao đều không sao cả”. Quan sát kỹ lọ thuốc, chúng tôi còn phát hiện không có tem của Cục Quản lý dược Việt Nam…
Cần khám và kê toa của BS
Theo BS.CKI Trần Minh Sơn (Trưởng khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu, Bệnh viện Q.Thủ Đức), người bệnh dựa theo các quảng cáo trên ti vi, mách bảo truyền tai rồi tự ý đi mua thuốc là có và không ít. Điều này không nên. “Thuốc Đông y cũng giống như Tây y, nếu uống không đúng liều, đúng thuốc chẳng những không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng hơn. Nhẹ thì tiêu chảy, đau bụng, nặng hơn thì tai biến. Chưa kể xảy ra tình trạng người bán phối hợp không đúng thuốc, sai sót trong quá trình bào chế…”, BS Sơn cho biết.
“Đã gọi là thuốc phải có chỉ định. Thuốc Đông y không loại trừ ra khỏi tên thuốc, bao giờ cũng có nguy cơ về chất lượng. Người bị bệnh không nên tự ý đi mua mà cần được BS khám, chẩn đoán để kê đơn thuốc phù hợp”, BS Trần Minh Sơn khuyên nhủ. |
“Hiện BS điều trị người bệnh chứ không phải là điều trị bệnh. Nghĩa là người bị bệnh ở nhiều độ tuổi khác nhau, dựa vào cơ địa, độ tuổi và các bệnh mà người bệnh đang mang để kê toa điều trị phù hợp. Đơn cử người đau lưng lại bị hàn thì không thể uống thuốc mang tính hàn, người cơ địa nhiệt không được uống thuốc nhiều nhiệt. Người bị huyết áp, tiểu đường, phụ nữ có thai… phải có những liều lượng phù hợp. Thông thường các BS dựa theo y học cổ truyền, kết hợp với khám lâm sàng rồi mới kê toa”, BS Sơn cho biết thêm.
Hiện địa bàn thành phố có không ít cơ sở chế biến, sản xuất thuốc Đông dược, nhà thuốc y học cổ truyền nằm tập trung ở tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học (Q.5), khu vực chợ Bàn Cờ (Q.3)… Dược liệu chưa thành phẩm chất đầy trong các bao tải, không che đậy, không hề có xuất xứ rõ ràng. Các cơ sở kinh doanh đa dạng thuốc thành phẩm, thuốc phiến. Hầu hết nhà thuốc đều quảng cáo chuyên mua bán dược liệu, hốt thuốc theo toa, khám và chữa bệnh…
Liên quan đến vấn đề này, BS Trần Minh Sơn cho rằng, việc bảo quản thuốc phiến để sắc uống là cả một vấn đề. Phải đảm bảo quy định về bảo quản, đóng gói, độ ẩm, độ khô để tránh nấm mốc, mọt, tạp chất. Quy định ngặt nghèo chính là lí do các công ty cung cấp loại phiến cho bệnh viện rất ít. Chỉ đối với thuốc thành phẩm là đa dạng do dễ đảm bảo quy định.
“Thuốc phiến bán tràn lan ngoài thị trường không ít, rất khó xác định được nguồn gốc và không nói được chất lượng. Đối với những dược liệu nhập chính thống có thể quản lý được còn những loại thuốc nhập lậu sẽ rất khó kiểm định”, BS Trần Minh Sơn cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)