Học sinh Trường THPT Đức Hòa (Long An) đang nghe Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 8 thông tin về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: N.Anh |
Hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh ĐH là các em học sinh lớp 12 lại suy nghĩ, lo lắng chọn trường, chọn ngành. Nếu không biết rõ khả năng, sở thích của mình mà chọn ngành, chọn trường không phù hợp sẽ là một sự lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc… Tuy nhiên, không phải em học sinh nào cũng biết rõ điều này.
Ở nước ta, đa phần học sinh thường chờ đến lớp 12 mới bắt đầu định hướng nghề nghiệp, còn ở lớp dưới cứ học văn hóa, tới đâu thì tính tới đó. Cho đến khi được tham gia ngày hội tuyển sinh hoặc các buổi tư vấn thì các em mới quyết định lựa chọn một nghề cho tương lai. Việc tư vấn và định hướng từ các chuyên gia, thầy cô giáo hay cha mẹ là điều thật quan trọng vì họ là những người từng trải, có kinh nghiệm. Thế nhưng, nếu bản thân không biết chính xác nó có phù hợp với năng lực và sự đam mê của mình hay không mà cứ đăng ký… đại thì sẽ dẫn tới hệ lụy về sau.
Những năm gần đây, nhất là mùa tuyển sinh năm 2015 vừa qua, việc dễ dàng học ĐH đã khiến cho nhiều thí sinh học… đại. Hễ đậu tốt nghiệp THPT là có thể dễ dàng vào ĐH. Khi nguyện vọng 1 không đậu, thì chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3…, miễn sao cứ học rồi tính tiếp khiến cho nhiều sinh viên “đứt gánh giữa đường” vì ngành học không phù hợp. Năm 2015, nhiều học sinh chưa thi tốt nghiệp THPT đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH A, trường CĐ B… Có em nhận được 3-4 giấy báo trúng tuyển trong khi chưa thi tốt nghiệp. Sự khác thường này bắt nguồn từ việc một số trường xét tuyển bằng điểm của học bạ. Thừa trường thiếu trò nên chưa thi đã đậu là điều dễ hiểu.
Mùa tuyển sinh năm 2016 cũng thế. Nhiều trường xét tuyển học bạ nên cứ đậu tốt nghiệp THPT là các em dễ dàng trở thành tân sinh viên. Chính vì vào ĐH dễ như trở-bàn-tay nên các em cần suy nghĩ chín chắn rằng, nếu nguyện vọng (dựa vào đam mê và năng lực) không đậu, các em không nên “học đại” các ngành khác.
Việc học là công việc suốt đời của con người, nhưng học như thế nào, học ở đâu và hiệu quả ra sao mới là mấu chốt của vấn đề. “Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình”. Các em cần sáng suốt lựa chọn con đường mình sắp bước. Chính các em là người quyết định cho tương lai của mình chứ không phải người khác. Ngả đường nào là do các em quyết định.
Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)
Bình luận (0)