Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ không của riêng một cá nhân, đơn vị nào. Tuy nhiên, chủ lực vẫn là đội ngũ y, bác sĩ – những “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch ngày đêm căng mình, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Không khó hình dung những khó khăn mà y, bác sĩ đối mặt trong cuộc chiến chống dịch. Đó là áp lực, là căng thẳng, thậm chí đối mặt với tử thần nhưng những người đã chọn cho mình chiếc áo choàng trắng không chùn bước, luôn nỗ lực vượt qua với mong muốn lớn nhất là cứu sống bệnh nhân, sớm khống chế dịch bệnh.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) và phát hiện ca nhiễm ở một số địa phương của Việt Nam cũng là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Đón Tết ở bệnh viện là chuyện bình thường của không ít y, bác sĩ nhưng những ca trực kéo dài nhiều ngày, “cách ly” với người thân trong mùa dịch lại là chuyện khác. “Chống dịch như chống giặc”, câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc như lời hiệu triệu toàn dân, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ – những “chiến sĩ” trên tuyến đầu mặt trận chống dịch.
Số ca nhiễm, ca tử vong ở tâm dịch Vũ Hán và một số quốc gia liên tục được cập nhật, những con số cứ nhảy múa, mang đến nỗi ám ảnh và sợ hãi. Nhưng sợ hãi không phải là phương thuốc để phòng chống bệnh dịch mà chỉ làm mất đi cái mạnh mẽ, phi thường vốn có. Trong hoàn cảnh ấy, chính người người thầy thuốc là “chiến binh” lạc quan truyền đi thông điệp sức mạnh cho đồng nghiệp, cho bệnh nhân và toàn xã hội.
Bất an, lo lắng… là cảm giác bao trùm giữa cơn khủng hoảng mang tên Covid-19. Tuy nhiên, thông tin số ca nhiễm tại Việt Nam (có cả người Việt và người nước ngoài) cho xét nghiệm âm tính và đã được xuất viện, nỗi lo ấy đã phần nào giải tỏa. Con đường trở về từ cõi chết của những bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có phép nhiệm mầu mà chỉ có sự kết hợp chuyên môn, tinh thần đoàn kết, nỗ lực cống hiến và hy sinh của đội ngũ thầy thuốc. Thành quả lớn nhất trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 thời gian qua là xây dựng niềm tin vững chắc của cộng đồng, trong đó có cộng đồng quốc tế đối với ngành y tế nước nhà, trong đó công sức lớn là những người thầy thuốc.
Chúng ta có quyền hy vọng dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường và chắc chắn sẽ tươi sáng hơn từ tâm sáng của người thầy thuốc. Những “chiến binh” ấy xứng đáng được xã hội trân trọng, tôn vinh chứ không phải đợi Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 mới nhắc đến.
T.Anh
Bình luận (0)