Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, trong năm 2015, các địa phương đăng ký giải tỏa 49 chợ tự phát nhưng đến nay mới chỉ giải quyết được…một chợ.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 76 chợ tự phát, rải đều ở các địa phương (H.Long Thành: 9, Nhơn Trạch: 9; TP.Biên Hòa: 8, TX.Long Khánh: 3, H. Trảng Bom: 5, H.Cẩm Mỹ: 4, H.Thống Nhất: 3…). Trong năm 2015, các địa phương đăng ký kế hoạch giải tỏa 49 chợ nhưng đến nay chỉ giải quyết được 1 chợ (gần bên Công ty Salim Funiture, KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom).
Người bán hàng tự phát lấn ra cả lòng đường ở chợ tự phát trên đường Đồng Khởi, P. Trảng Dài (TP. Biên Hòa)- Ảnh Lê Lâm
|
Theo đánh giá của sở này, công tác giải tỏa chợ tự phát chưa đạt yêu cầu do chính quyền địa phương thiếu biện pháp xử lý cụ thể; xử lý còn mang tính hình thức, chưa phối hợp đồng bộ. Đến nay chưa có địa phương nào, đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm liên quan trong việc để tồn tại, phát sinh chợ tự phát. Ngoài ra còn do sự ngoan cố, chây ì của người bán, khi lực lượng chức năng tiến hành truy quét thì giải tán nhưng sau khi rút đi thì lại tiếp tục lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán.
Khổ sở khi lái xe qua chợ tự phát
Có mặt tại khu chợ tự phát trên đường Đồng Khởi, P. Trảng Dài (TP. Biên Hòa) vào khoảng 17 giờ ngày 2.3, thời điểm công nhân tan ca, chúng tôi ghi nhận cảnh nhộn nhịp đứng giữa lòng đường mua bán cho dù ô tô lưu thông qua khu vực này bóp còi in ỏi để cảnh báo. Dựng xe đứng lựa rau ở lòng đường, chị Nguyễn Thị Hà (30 tuổi) cho biết: “Tiện đường thì ghé vào mua, không cần gửi xe. Hàng hóa thì rẻ hơn ở các khu chợ tập trung, phù hợp với túi tiền của công nhân và người có thu nhập thấp như chúng tôi”. Còn tai nạn giao thông thì sao?. “Ngày nào em chẳng ghé đây mua, có thấy gì đâu”, chị Hà vô tư nói .
Để đối phó với lực lượng chức năng, hầu hết những người buôn bán ở khu chợ này đều sử dụng những chiếc đẩy để thoát cho nhanh khi phát hiện lực lượng kiểm tra. Chị Mai một người bán trái cây ở chợ tự phát gần Cây xăng 26, đường Đồng Khởi (P. Trảng Dài) nói: “Tôi bán ở đây bị công an phường kiểm tra, bắt hoài. Nếu chạy kịp thì thoát, còn bị không thì mất luôn phương tiện lẫn hàng hóa nên phải sắm xe đẩy để chạy cho nhanh. Buôn bán ở lề đường biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi phải kiếm tiền nuôi gia đình”. Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, tài xế xe tải nói: "Lái xe qua khu vực này hết sức khổ sở do người mua kẻ bán chiếm hết cả lòng lề đường. Nếu không cẩn thận với tay lái rất dễ gây tai nạn cho đám đông",
Ngoài đường Đồng Khởi, tại TP. Biên Hòa còn tồn tại hàng loạt chợ tự phát trên đường như đường Nguyễn Văn Tiên (P.Tân Phong), đường Bùi Văn Hòa (P.Long Bình Tân và P.Long Bình)… Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho hay: “Ngoài 8 chợ tự phát theo số liệu của Sở Công thương thì TP.Biên Hòa còn tồn tại 32 điểm buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, tập trung ở những nơi đông dân cư, nhiều công nhân lao động như các P. Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình, An Bình, Long Bình Tân.”
Trách nhiệm của địa phương
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Dân, Trưởng phòng kế hoạch-tài chính Sở Công thương tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “Chủ trương của Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh giao cho Sở Công thương chủ trì phải giải tỏa cho được chợ tự phát. Sở Công thương cũng đã giao trách nhiệm cho lãnh UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo cho Phòng kinh tế, công an, trật tự đô thị… nghiêm túc thực hiện chủ trương này trong thời gian tới”
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Kim Phước muốn xóa bỏ những chợ, điểm tự phát cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của chính quyền xã, phường. Cần quy trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân nếu không giải tỏa được hoặc giải tỏa rồi mà để tái diễn. “Về lâu dài, địa phương cần linh hoạt tìm những khu đất trống gần với các điểm, chợ tự phát đó thành lập chợ tạm cho người dân vào buôn bán. Đối với những chợ tự phát trước cổng các công ty, có đông công nhân thì doanh nghiệp cũng nên quy hoạch một khu đất nhỏ, có thể sát bờ tường để làm nơi mua bán”, ông Phước đề xuất.
Lê Lâm – Gia Khánh (TNO)
Bình luận (0)