Người ta bảo tay lạnh là dấu hiệu của người chung thủy. Người khác lại bảo tay lạnh thực ra là vì thiếu máu chứ chẳng liên quan. Còn khoa học bảo rằng, lý do thực sự nằm ở chỗ khác.
Mỗi lần tiết trời trở rét là dịp để hội con gái bắt đầu "quăng thính" trên MXH: tay lạnh quá, cần người sưởi ấm qua mùa đông năm nay…
Vấn đề tay lạnh cũng có lắm vấn đề phải bàn. Hội mộng mơ thì luôn tin rằng con gái tay lạnh là xấu hiệu của người chung thủy. Hội thực tế hơn và thích… "ném đá vào hội nghị" thì nghĩ tay lạnh là dấu hiệu bệnh tật chứ chẳng liên quan đến chung thủy.
Nhưng nếu tay lạnh là dấu hiệu của bệnh, thì có vẻ như thế giới này hơi bị thiếu người khỏe đấy. Hãy thử để ý xem, xung quanh bạn có bao nhiêu người sở hữu bàn tay lạnh ngắt vào mùa đông? Tôi đồ rằng tỉ lệ là rất cao, và đa số là hội con gái.
Thực ra thì ai cũng thấy lạnh tay và chân.
Vậy lý do là gì? Nếu không phải là bệnh, thì tại sao chúng ta thấy tay chân mình lạnh ngắt vào mùa đông? Và tại sao chỉ hội con gái là bị nhỉ?
Thực ra thì ai cũng có thể thấy lạnh tay chân, và đó là hiện tượng bình thường
Đúng là việc cảm thấy chân tay lạnh có thể là dấu hiệu của một số chứng bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả thấp khớp, lupus ban đỏ, viêm khớp, huyết áp… Tuy nhiên với đa số trường hợp, nguyên nhân là do bệnh Raynaud – hội chứng cực kỳ phổ biến, khiến mạch máu co lại quá mức.
Theo giáo sư Michael Tipton từ ĐH Portsmouth, cần biết rằng nam hay nữ đều có thể thấy lạnh, nhờ vào các tế bào cảm thụ nhiệt độ nằm cách bề mặt da vài milimet. Thông thường, thân nhiệt của chúng ta được kiểm soát nhờ máu chảy dưới mao mạch. Nhưng lúc gặp lạnh, tế bào cảm thụ nhiệt độ sẽ siết các mao mạch lại, đẩy máu về tim, phổi và các cơ quan khác quan trọng hơn để giữ ấm.
Có thể hiểu khu vực mao mạch bị siết sẽ có nhiệt độ thấp hơn – như ngón tay, ngón chân… Cơ thể đã hy sinh các khu vực ấy để bảo toàn nội quan, làm tăng khả năng sinh tồn của chúng ta. Đó cũng là lý do vì sao các nạn nhân gặp bão tuyết có thể rơi vào tình trạng mất vài ngón vì bỏng lạnh.
Hội chứng Raynaud khiến quá trình co mạch này lại xảy ra quá cực đoan.
Tuy nhiên với những người mắc hội chứng Raynaud (thường là phụ nữ), quá trình co mạch này lại xảy ra quá cực đoan. Mao mạch của họ sẽ bị siết lại rất nhanh dù chỉ mới hơi lạnh một chút thôi.
"Nghiên cứu cho thấy một số người bị hạ nhiệt nhanh hơn người khác khi cùng ở trong một điều kiện lạnh, và nó xảy ra chủ yếu ở phụ nữ" – Tipton cho biết.
"Mạch máu của phụ nữ bị đóng nhanh chặt hơn so với nam giới, rồi sau đó cũng mất nhiều thời gian để làm ấm lại hơn".
Giáo sư Tipton cũng lưu ý rằng đây là nhiệt độ trên da chứ không phải thân nhiệt. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 1998, phụ nữ có thân nhiệt trung bình thậm chí còn cao hơn đàn ông, nhưng nhiệt độ tay của họ thì thấp hơn khoảng 1,2 độ C.
Nguyên nhân gây ra Raynaud hiện khoa học vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng nó có thể đến từ di truyền, đang gây ảnh hưởng đến ít nhất 10% phụ nữ tại Anh Quốc, và tỉ lệ mắc phải hội chứng này ở nữ cao hơn nam giới gấp 5 lần.
Raynaud có nguy hiểm không
Câu trả lời là không. Các nhà khoa học đánh giá Raynaud là một trong những hội chứng tương đối vô hại. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng nó có thể là dấu hiệu của một vài căn bệnh đáng ngại hơn. Nếu như hiện tượng tay chân lạnh cũng gây ra các vết loét ngoài da rất khó lành, thì bạn nên cân nhắc đi khám bác sĩ.
Không chỉ vì Raynaud
Raynaud thì chiếm một phần nguyên nhân thôi. Phần khác đến từ sự khác biệt về nồng độ hormone giữa 2 giới.
Càng nhiều oestrogen, cơ thể càng nhạy cảm với nhiệt độ.
Phụ nữ giàu hormone oestrogen hơn. Ngoài việc là một hormone sinh dục, oestrogen còn có tác dụng điều hòa mạch máu ngoại biên. Càng nhiều oestrogen, cơ thể càng nhạy cảm với nhiệt độ. Đó cũng là lý do vì sao thân nhiệt của phụ nữ cũng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt – do nồng độ hormone thay đổi.
Ngoài ra, nguyên nhân nhân có thể là vì cơ thể nữ thường có tỉ lệ mỡ cao hơn nam khoảng 10%. Theo giáo sư Tipton, lớp mỡ này tạo ra một lớp bảo vệ nội tạng, nhưng đồng thời lại ngăn không cho nhiệt chạm đến da, nên nhiệt độ trên da vì thế cũng lạnh hơn.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)