Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đến khi về hưu cô vẫn nặng lòng với học trò và gieo “tiếng thơm” cho đời bằng những việc làm ý nghĩa. Người được nhắc đến chính là cô Nguyễn Thị Hồng Loan (cựu giáo viên Trường THCS Đồng Hiệp, Đồng Nai).
Cô Nguyễn Thị Hồng Loan
“Gieo” tri thức cho người nghèo
Sinh ra từ vùng đất Nghệ An, tuổi thơ phải sống trong bom đạn, nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề nên cô Loan luôn đồng cảm với những phận đời cùng khổ. Xuất phát từ tấm lòng thành, cô giáo già bộc bạch: “Hồi đó chiến tranh, gia đình cô có 4 người là cha, mẹ và hai chị em. Nhưng các thành viên đâu có được ở cùng nhau mà phải chia ra một đứa theo cha, một đứa theo mẹ chạy giặc. Muốn đi học cũng vất vả, đâu có sách, vở như bây giờ nhưng được một cái là mọi người xung quanh luôn giúp đỡ, bạn bè cũng yêu thương cho mượn. Vì vậy mà tôi mới có cơ hội học hành đàng hoàng, làm giáo viên mấy chục năm qua”.
Sau ngày đất nước thống nhất, cô khăn gói vào TP.HCM sinh sống và học tập. Duyên nợ đã tạo nên một cô giáo tận tâm, tận lực của Trường THCS Đồng Hiệp, Đồng Nai. Giảng dạy ở một ngôi trường còn nhiều khó khăn, học sinh đa số xuất thân từ những gia đình nghèo, cha mẹ quanh năm tất bật với ruộng vườn và nỗi lo cơm áo gạo tiền, hiếm hoi sách vở để các em tham khảo, học tập mà thư viện trường học thì không đáp ứng đủ. Những điều đó luôn thôi thúc bản thân cô Loan phải làm điều gì đó để giúp đỡ các em.
Mãi đến năm 2014, sau khi về hưu được một thời gian, sắp xếp công việc gia đình đâu đã vào đấy, con cái có công ăn việc làm ổn định, cô đã bàn bạc cùng con trai thành lập thư viện sách mini tại nhà riêng (xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Từ 200 đầu sách có sẵn, cô thực hiện “chiến dịch” kêu gọi mọi người quyên góp thêm sách vở. Thấy được tấm lòng của nhà giáo già, bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ nhiệt tình, nhiều thế hệ học trò đã thành đạt cũng gửi sách về làm việc thiện. Thế là tủ sách nhà cô tăng dần và trở thành thư viện công cộng phục vụ cho những ai có nhu cầu. “Những người đến đây đa số ngoài giờ hành chính trong đó có nhiều học sinh trong trường. Có em mượn đọc tại chỗ và cũng có em mượn mang về. Đọc xong trả lại và mượn tiếp. Nhìn thấy được vậy cô cũng thấy nhẹ nhõm và yên lòng” – cô Loan nói!
Không chỉ “tặng người thầy tri thức” cho bà con, học sinh ở địa phương, cô Loan còn được những người trong vùng biết đến là một cô giáo nặng tình với học trò nghèo. Hễ phát hiện trong trường có học sinh bỏ học vì khó khăn là cô lại tìm mọi cách giúp đỡ như: tặng áo quần, học bổng, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền học phí… Nhờ nhà trồng được lúa nên thỉnh thoảng cô cũng ủng hộ học trò và người dân nghèo trong xã ít gạo ăn lấy thảo. Từ những phần quà ý nghĩa đó, nhiều học trò tưởng chừng phải nghỉ học được tiếp tục được cắp sách tới trường. “Mình làm công việc này ai cũng biết. Nhiều lúc đi ra đường bà con cô bác đều gật đầu chào. Học sinh thì lên facebook hỏi thăm. Nhiều đứa trẻ trong xã hễ gặp là chào cô Loan… như vậy là ấm lòng rồi” – cô giáo về hưu nói trong niềm hạnh phúc.
Không chỉ giúp người nghèo ở nơi mình sống mà cô còn đi khắp nơi xin quần áo cũ của những ai không dùng nữa về gấp lại, phân loại, đóng thùng gửi ra tận Nghệ An cho người khó khăn. “Đó là nơi cô sinh ra và lớn lên. Những việc làm cỏn con này có đáng là bao. Cô rất muốn giúp họ nhiều hơn nữa vì ngoài đó còn rất nhiều người không có cơm ăn, áo mặc” – cô Loan đau đáu về quê nhà.
Vượt qua căn bệnh ung thư
Trò chuyện cùng cô trong một buổi chiều thu, cô nói tỉnh queo như đang giỡn “cô đang bị ung thư vòm họng”. Tôi giật mình, bởi trước mặt mình không phải là một người yếu ớt, suy sụp vì bệnh tình mà là một người phụ nữ tươi tắn, thân thuộc, luôn nở nụ cười hiền. “Bà tiên” của những đứa trẻ nghèo nhìn đời đẹp đẽ như cái tên Hồng Loan của cô vậy: “Cô biết bệnh từ năm 2016 nhưng cô không buồn. Chỉ cần mỗi ngày làm được việc tốt, luôn mỉm cười với cuộc sống thì mọi chuyện sẽ qua thôi. Với lại bên cô còn có rất nhiều người tốt như những bạn cùng một thời với cô đang ở Đắk Lắk, Nghệ An, Quy Nhơn… luôn an ủi, động viên. Ở đây thì có bà con, lối xóm, có những đứa trẻ, học trò tới lui thăm hỏi. Cô phải sống thật vui với những tháng ngày còn lại chứ, buồn phiền có giải quyết được gì”.
Để có niềm vui mỗi ngày, cô Loan còn tập hợp các vị bô lão trong xóm thành lập câu lạc bộ dưỡng sinh. Mỗi sáng cô thức sớm, hướng dẫn các thành viên tập luyện để rèn luyện sức khỏe.
Nói về người mẹ của mình, anh Lê Hồng Phúc (con trai cô) cảm phục: “Mẹ bị bệnh nhưng bà luôn vui vẻ, bận rộn với nhiều công việc. Bà còn biết chơi facebook để giao lưu, kết bạn với mọi người. Việc vận động mọi người chung tay giúp đỡ người nghèo cũng nhờ những lời lẽ đáng yêu từ facebook của bà”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)