Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Xứng danh “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Tạp Chí Giáo Dục

TS: Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Báo Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu những gương mặt nữ bác sĩ, nhà giáo tài năng, thuộc hai thế hệ xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” và “Giỏi việc nước đảm việc nhà”. 

“Má” Tám dân vận khéo

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao kỷ niệm chương cho NGƯT Trần Thị Hà tại Đại hội Thi đua yêu nước (ảnh nhân vật cung cấp)

Đến P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM hỏi cô Tám Hà hầu như người dân sống nơi đây ai cũng biết. Họ biết đó là NGƯT Trần Thị Hà dù tuổi đã cao nhưng tinh thần vẫn nhiệt huyết, không có việc nào mà không có mặt của người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn nhưng thật tháo vát và nhanh nhẹn. Còn nhớ những năm trước đây tình hình vệ sinh đường phố của các khu phố có chiều hướng bất ổn. Đi đâu cũng gặp rác bởi ý thức hạn chế và kém cỏi của vài người dân. Thế nhưng, chỉ bằng một cuộc vận động của Hội Phụ nữ phường phối hợp với Phường đội, Đoàn Thanh niên mà sau đó bộ mặt cảnh quan môi trường thay đổi hẳn. Công lao đó phần lớn có sự chung tay của NGƯT Trần Thị Hà. Cũng từ đó đã thành nếp, hàng năm P.An Phú Đông đã phối hợp với sinh viên một số trường ĐH về ngoại thành giúp dân cải tạo cảnh quan đô thị. Cùng làm với các sinh viên, NGƯT Trần Thị Hà đã trở thành “thủ lĩnh” của các phong trào nên được các bạn gọi với cái tên: “Má Tám” trìu mến, thân thương. Như người bà người mẹ của toàn khu phố và phường, “má Tám” dân vận chăm lo từng công việc dù nhỏ nhất tại địa phương mình nhất là các cháu nhỏ. Tết Trung thu hàng năm nhờ có má Tám mà nhiều cháu nhỏ bị thiệt thòi do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã có thêm một phần quà trong đêm hội rước đèn Trung thu. Biết lớp học tình thương phòng ốc, sân bãi đang xuống cấp, bằng tài ngoại giao “má Tám” đã xin được mấy triệu đồng để sơn sửa lại cho thật khang trang. Cũng từ công tác dân vận mà nhiều suất học bổng cho HS tại khu phố vẫn duy trì đều đặn hàng năm. Những công trình chào mừng các ngày lễ lớn mà tiêu biểu là công trình mang tên chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều dấu ấn đẹp cho bà con cô bác trong từng khu phố. Tại Đại hội Ban dân vận khéo toàn quốc, Đại hội Thi đua yêu nước toàn TP.HCM, nhiều đại biểu thật sự cảm kích tinh thần cống hiến của một cựu Hiệu phó Trường CĐSP Tiền Giang khi nghe bà kể lại những đóng góp tại địa phương dù tuổi đã cao niên.

Nữ bác sĩ lặng thầm với việc “giải mã”

Bác sĩ Thục Lan miệt mài với những công trình nghiên cứu

Vinh dự được nhận giải thưởng L’ORÉAL-UNESCO 2015, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan – Trưởng khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Nhân dân 115 bao năm qua đã miệt mài với công việc, gắn cuộc đời mình với các bệnh nhân đau xương khớp.

Dù đã 2 giờ chiều nhưng bữa cơm trưa của bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan vẫn còn dang dở bởi cứ chốc chốc, chị lại nhận điện thoại của bệnh nhân. Biết việc ăn uống thất thường sẽ không tốt cho sức khỏe nhưng chị hiểu, bệnh nhân cần mình hơn lúc nào hết. Với nhiều bệnh nhân ở các tỉnh xa, chị luôn dành sự ưu ái đặc biệt vì họ đã quá vất vả trong việc di chuyển. Vóc người nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ, bác sĩ Thục Lan chiếm cảm tình của người đối diện bởi sự chân thật, lòng nhân ái.

Thời đi học, chị say mê các môn tự nhiên với ước mơ thi đỗ vào ĐH Bách khoa. Một lần, em gái của chị nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nhà nghèo, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phải tằn tiện để đắp đổi qua ngày. Khi em gái bị bệnh viện trả về vì gia đình chị không đủ tiền mua thuốc, nước mắt lưng tròng, chị xót xa khi nghe một bác sĩ nói: “không có nhiều tiền mua thuốc đắt thì phải về nhà chờ chết”. Câu nói ấy như vết cứa vào tim cô gái vừa tròn 16 tuổi với bao ước mơ và hoài bão. Chị quyết tâm thi vào ngành y với mong muốn sau này sẽ chữa bệnh cho người nghèo với tất cả khả năng của mình. Những năm còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH Y dược TP.HCM, chị đã luôn tâm niệm sẽ theo đuổi con đường này đến cùng. Tốt nghiệp, chị về làm giảng viên tại Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, chị trở thành Phó Chủ nhiệm Bộ môn nội từ năm 2002. Hiện nay, chị còn kiêm nhiệm Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115. “Ngày trước, tôi say mê toán học, cứ nghĩ toán học là môn học hay nhất. Sau này, theo học ngành y, mình nghiệm ra được nhiều điều hay, bổ ích. Đôi lúc, những khắc nghiệt của nghề y làm nhiều người chùn bước nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm dù thế nào, mình cũng phải làm một bác sĩ tử tế”.

Với tâm thế của một người làm khoa học trong hoàn cảnh còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp, bác sĩ Thục Lan và những người cộng sự muốn hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu thấp nhất chi phí điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Thục Lan được vinh danh qua các nghiên cứu trong 7 năm qua về ảnh hưởng của các yếu tố gene và môi trường đến loãng xương. Niềm vui vỡ òa khi chị và những người cộng sự đã nhận về kết quả ngoài mong đợi cho những ngày tháng miệt mài làm các nghiên cứu với quy mô lớn, nhỏ.

Giải thưởng L’ORÉAL-UNESCO là giải thưởng cao quý “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2015”. Bác sĩ Thục Lan được vinh danh và nhận giải thưởng này vì những đóng góp trong nghiên cứu loãng xương và đã có những đóng góp tích cực vào thực hành lâm sàng, chính sách y tế ở Việt Nam, đóng góp vào tri thức khoa học loãng xương trên thế giới. Nói về mình, chị kiệm lời, khiêm tốn. “Đó là công sức của cả một tập thể. Với bất kỳ bệnh nhân nào, tôi cũng nguyện mình đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương, tận tụy để chữa trị hết mình cho họ”, bác sĩ Thục Lan bộc bạch. Thương mẹ, thấu hiểu những vất vả, tận tụy của mẹ với nghề, cô con gái của bác sĩ Thục Lan ấp ủ ước mơ vào ngành dược để có thể đi chung một con đường với mẹ. Hiểu được tâm tư của con, chị thấy ấm lòng hơn khi mình lại có thêm một ngọn lửa nhỏ để sưởi ấm lòng sau những bộn bề công việc.

Một đóa lan thầm lặng

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Lan cùng HS của mình 

Gắn bó với công việc chăm dạy trẻ đã khó, tận tâm với từng cháu bé tật nguyền lại càng vất vả hơn. Thế mà gần 20 năm qua, cô Nguyễn Thị Thu Lan – Chủ tịch Công đoàn Trường CB Ánh Dương, Q.12, TP.HCM vẫn chăm lo cho từng đứa học trò khuyết tật khôn lớn và trưởng thành bằng tấm lòng của người mẹ hiền. 

Một ngày học của các em vừa kết thúc, phụ huynh đến trường chở con về gần hết nhưng cô Thu Lan vẫn còn ở lại với các em đến phút chót. Trong khoảng “thời gian chết” cô tìm cách bắt chuyện từng đứa học trò để các em có thêm cơ hội giao tiếp với người đối diện. Đối với cô, mỗi giờ ở lớp là mỗi khoảnh khắc đáng quý để các em luyện giọng, sửa cách phát âm và lắng nghe được rõ hơn.

Theo năm tháng, cô Thu Lan và các cộng sự của mình đã kiên trì vượt qua những thử thách vốn không hề có trong giáo án. Sự nhẫn nại của các cô rồi cũng được đền đáp xứng đáng khi các em ngày hôm nay phát âm tròn vành rõ chữ hơn ngày hôm qua. Niềm vui của các cô là được nghe các trò tíu tít kể từng câu chuyện ở nhà và cả chuyện gặp giữa đường. Sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ đã làm cho trái tim các cô có sự giao cảm đặc biệt, bồi đắp thêm tình thương yêu cho những đứa bé bị thiệt thòi về số phận. Không ít em cãi lời bướng bỉnh nhưng nhờ sự cảm hóa từ tình thương yêu mà những “vầng trăng khuyết” đó dần dần được hoàn thiện.

Không chỉ lo việc trường chu tất, cô Thu Lan còn là trụ cột của gia đình khi phải chăm sóc người chồng bị tai biến từ 10 năm nay. Mọi sinh hoạt rất khó khăn đều phải nhờ người vợ đảm đang vừa giỏi việc trường lại giỏi việc nhà. Không chịu thua đồng nghiệp, cô vẫn sắp xếp công việc để theo học cử nhân và các khóa học về giáo dục đặc biệt.

Bài, ảnh: H.Thủy – Yên Hà

Bình luận (0)