Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Cần nhiều nhân lực cho kinh tế ban đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi khách du lịch đến Việt Nam hiện chỉ tiêu xài chừng 600 – 700 USD, mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Để thu của khách nhiều hơn, Chính phủ khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm, đồng nghĩa với việc nhân lực ngành du lịch phải đáp ứng đủ cả số lẫn chất lượng.
Sinh viên ngành khách sạn - nhà hàng trong một buổi thực tập	 /// Mỹ Quyên
Sinh viên ngành khách sạn – nhà hàng trong một buổi thực tập. Mỹ Quyên
Thiếu hụt nhiều dịch vụ ban đêm
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty du lịch Lửa Việt, cho biết: “Kinh tế ban đêm là một phần quan trọng của du lịch. Nước nào cũng có và Việt Nam không thể không phát triển theo xu hướng đó. Chẳng hạn, Đài Loan (Trung Quốc) có đến 300 chợ đêm, không chỉ để mua bán mà còn như một “công viên văn hóa” giúp du khách giải trí, tìm hiểu đời sống văn hóa, con người bản địa. Thái Lan cũng cực kỳ thu hút khách nhờ chợ đêm. Siêm Riệp của Campuchia cũng có nhiều chợ đêm, du khách đến đó tiêu tiền không ít. Còn ở Việt Nam, các chợ đêm, dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách vào ban đêm vẫn còn rất nghèo nàn và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách”.
Theo ông Mỹ, tại TP.HCM, phố đi bộ Bùi Viện chỉ được xem như “phố nhậu” chứ không có hoạt động gì khác. Vì vậy, khách Tây có nhu cầu đi nhậu mới tới đó. Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng chưa phải là điểm đến của khách du lịch.
Ông Nguyễn Thế Khải, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ, cũng nhìn nhận: “Về đêm, nhìn chung những thành phố du lịch của Việt Nam có quá ít loại hình giải trí cho du khách trong và ngoài nước. Thậm chí vài nơi, du khách chỉ nhậu xong rồi về khách sạn ngủ. Du lịch là ngành kết nối dịch vụ cho du khách, trong đó có các loại hình văn hóa giải trí, mà lĩnh vực này thì chúng ta vừa thiếu lại yếu”.
Hiện nhiều tỉnh, thành đang thu hút ngày càng đông khách du lịch. Vì thế, nhân lực cho ngành du lịch các nơi này, đặc biệt nếu phát triển thêm kinh tế ban đêm, càng thiếu
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty du lịch Lửa Việt
Thiếu nhân lực phục vụ du lịch
Trong hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030” do UBND TP.HCM tổ chức hồi tháng 8, đại diện của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM cũng thông tin đến năm 2030, dự báo ngành du lịch của TP cần thêm 3.000 người lao động có trình độ quốc tế.
Về lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện tại, ông Nguyễn Văn Mỹ nêu số liệu: Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu khách nước ngoài, hơn 8 triệu người Việt ra nước ngoài và 72 triệu khách nội địa, nhưng tính đến tháng 4.2019, cả nước chỉ có 24.733 hướng dẫn viên. “Không chỉ thiếu mà là thiếu rất trầm trọng. Hiện nhiều tỉnh, thành đang thu hút ngày càng đông khách du lịch. Vì thế, nhân lực cho ngành du lịch các nơi này, đặc biệt nếu phát triển thêm kinh tế ban đêm, càng thiếu”.
Theo bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp đang bắt đầu phát triển du lịch nên rất cần nguồn nhân lực có kỹ năng. Phú Quốc đang quá thiếu. Rất nhiều tỉnh, thành ở khu vực này có kế hoạch lâu dài nên đã đặt hàng để trường đào tạo như Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigon Tourist dự kiến trong những năm tới sẽ tăng chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trường ĐH phải thay đổi hướng đào tạo
Ông Nguyễn Thế Khải cho biết tuyển dụng nhân sự cho ngành du lịch lữ hành đang gặp một số khó khăn, do nhân viên mới hầu hết thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ còn “non”. “Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đang là xu thế bắt buộc. Nhưng việc đào tạo ở trường lớp mới chỉ là điều kiện cần, còn muốn được các công ty du lịch tuyển dụng ngay sau khi ra trường, chúng ta phải suy nghĩ về cách giáo dục và đào tạo, nhất là giáo trình tại các trường ĐH hiện hành đã phù hợp chưa”, ông Khải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mỹ nhìn nhận, phần lớn nhân lực du lịch không có kỹ năng làm việc thực tế. “Vì trong trường ĐH, các em không được dạy, vì nhiều thầy cô bằng cấp cao nhưng lại không có thực tế, dạy theo lý thuyết, chưa từng trải nghiệm công việc thực tế. Trường ĐH lạm dụng nhất khi đào tạo chuyên ngành “quản trị du lịch” chung chung, không có cái gì chuyên sâu trong khi đáng lẽ phải tách bạch “quản trị lữ hành” và “quản trị khách sạn – nhà hàng”. Các trường ĐH cần phải nhanh chóng thay đổi chương trình học theo hướng thực tiễn nhiều hơn”.
Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)