Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mùa cam ngọt trên vùng đất cằn

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Ngọc Nhơn – một trong những người tiên phong mở đất ở K4 thành công với mô hình trồng cây cam

Gần 15 năm sau kể từ ngày những người dân xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) tiên phong trong việc khai phá đất đai, vùng đất hoang có tên gọi K4 nằm về phía Tây, Hải Phú đã trở thành một vùng cam ngọt!

Ngày đầu mở đất

Nằm về phía Tây của xã Hải Phú, vùng đất có tên gọi K4 từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt. Hàng chục năm sau ngày hòa bình, người dân dắt díu nhau về dựng lại cửa nhà, chăm xanh vườn tược, nhưng K4 vẫn chỉ là một vùng gò đồi hoang đầy lau lách và cây dại. Nhận ra nghịch lý đất bỏ hoang nhưng người nông dân vẫn thiếu đất, đời sống nghèo khó. Năm 2002, xã Hải Phú có chủ trương tạo điều kiện cho một số bà con nông dân khai phá vùng đồi K4 để phát triển kinh tế. Một cuộc trường chinh mở đất về vùng gò đồi phía Tây Hải Phú bắt đầu. Vùng đồi K4 trở thành điểm dừng chân khai phá. Nhớ lại, ông Trần Ngọc Nhơn, một trong những người dân tiên phong bộc bạch: “Hồi ấy, bốn bề đều lau lách, mỗi nhát cuốc đặt xuống đều bị sỏi đá đánh bật trở lại. Sau mỗi ngày lao động, hai bàn tay sưng tấy, chảy máu”. “Không chỉ đối mặt với khó khăn đất đai cằn cỗi, trong mỗi bụi rậm đều tiềm ẩn nhiều rắn rết. Đó là chưa kể những ngày nắng, gió Lào bỏng rát phần phật thổi trong khi nguồn nước cạn kiệt, không điện, chỉ đèn dầu leo lét và bữa cơm độn toàn khoai sắn qua ngày”. Vất vả, không ít người bỏ cuộc giữa chừng.

Trụ lại với đất nhưng trồng cây gì để mang lại hiệu quả! Đó là bài toán không dễ có lời giải. Ông Trần Ngọc Trung, một trong những nông dân ở lại với K4 cho đến bây giờ bộc bạch: “Đất đồi xưa nay hợp với trồng rừng, cùng lắm thì thêm cây sắn. Nhưng chừng ấy không đủ làm nên nét khác biệt và mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Rồi anh Nhơn và tui cùng bà con nghĩ tới chuyện trồng cam. Ban đầu cũng đắn đo lắm. Sau tui quyết dành dụm ít tiền làm lộ phí, đem một ít đất này tìm ra tận Nghệ An để nhờ bà con có kinh nghiệm tư vấn. Và rồi họ khuyên tui nên trồng cam. Rứa là anh em bà con bắt đầu cùng nhau ra mua giống cam về trồng. Không ngờ cam bén duyên đất K4 thật!”.

Mùa quả ngọt

Vùng đất K4 hôm nay đã xanh mướt một màu hoa trái

Rời vùng đất K4 vào giữa độ cam sắp vào vụ, đi giữa những hàng cam xanh mướt, bắt gặp hình ảnh nụ cười tươi rói của người nông dân đang tỉ mẩn chăm sóc vườn cam trĩu trái. Chợt thấm thía hơn lời của ông Trần Ngọc Nhơn: “Chỉ cần có tình với yêu đất, bằng ý chí và đôi tay, người nông dân có thể biến vùng đồi hoang thành trang trại, đem đến cuộc sống ấm no!”.

Về vùng K4 hôm nay, chạy xe trên con đường đất đỏ cấp phối, người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được giờ đây vùng đồi K4 đã trở nên trù phú, xanh tươi đến ngần ấy. Trải dài trên các triền đồi, bên khe suối bạt ngàn cây cam, đồi chè và nhiều loại cây ăn quả, hoa màu khác. Để trụ lại với K4 chừng ấy thời gian không phải là điều dễ dàng. Ông Nhơn nghĩ ra cách lập trang trại đa cây, đa con để lấy ngắn nuôi dài. Ven đồi có suối nên ông đào ao nuôi cá kết hợp cung cấp nguồn nước tưới cho các loài cây ăn quả. Rồi ông bắt tay vào trông 1,2 hécta cam. Giống cây chủ yếu là loại cam Vân Du và Xã Đoài mua tận Nghệ An. Sau nhiều năm chờ đợi, tưởng chừng vùng đất chỉ có thể trồng rừng, trồng các loại cây có sức chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt, nhưng thật kỳ diệu, vườn cam của ông đã đem lại quả ngọt. “Bình quân 1 hécta trồng cam, mỗi năm gia đình tui thu hoạch được 10-12 tấn, trừ chi phí, còn lãi khoảng 100 triệu đồng”, ông Nhơn cho biết. Ngoài ra, gia đình ông còn thu trên 100 triệu đồng từ các loại cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp. Không dừng lại ở đó, ông Nhơn còn trồng 2 hécta cao su. Ông Nhơn nói: “Mảnh đất dù khắc nghiệt đến đâu, mình nỗ lực cải tạo, tìm ra giống cây phù hợp thì sẽ khuất phục được nó. Bây giờ cam K4 đã có mặt ở nhiều thị trường chợ trong và ngoài tỉnh. Có nhiều bà con ở Đà Nẵng còn mua làm quà biếu. Cam K4 đã có chỗ đứng trên thị trường một phần bởi bà con làm cam sạch không sử dụng thuốc kích thích, quả cam lại ngọt thanh và tươi ngon nên dễ kiếm đầu ra”.

Ông Văn Viết Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phú cho biết, tính đến nay vùng đồi K4 đã phát triển được 13 hécta cam với 8 hộ tham gia trồng (bình quân mỗi hộ trồng được trên 1,5 hécta, mỗi hécta trồng từ 400-500 gốc), chủ yếu là giống Xã Đoài, Vân Du và gần đây là cam ruột vàng. Nhờ trình độ thâm canh ngày càng cao, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình canh tác và chất đất phù hợp mà các vườn cam đã cho năng suất cao, chất lượng tốt. Điều đáng mừng là những hộ trồng cam trên vùng đồi K4 đã có sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong kỹ thuật, kinh nghiệm trồng chăm sóc, chia sẻ khâu tiêu thụ nên đã từng bước thành công cùng với cây cam. Trong câu chuyện về hướng đi cho quả cam, ông Kỳ trải lòng, những mùa cam đầu tiên cách nay vài năm về trước, người nông dân K4 phải vất vả lắm mới bán được từng quả cam do mình nhọc nhằn trồng được. Rồi dần dà, cam K4 đã từng bước chiếm được niềm tin của khách bởi đặc tính thơm ngon, sạch.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)