Nghiên cứu khoa học (NCKH) sẽ tạo ra những bước đi ban đầu để học sinh phổ thông tiếp cận với những vấn đề của thực tế cuộc sống cần phải được lý giải.
Sản phẩm Robot do học sinh THPT chế tạo tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Ảnh: N.Trinh |
Thông qua đó, các em rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, từng bước trau dồi phương pháp NCKH, biết sử dụng hệ thống lí thuyết, phương pháp nghiên cứu thích hợp để xem xét và giải quyết vấn đề có căn cứ khoa học.
Giáo viên cần tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học có khả năng giúp học sinh phát triển năng lực NCKH như phương pháp nêu vấn đề, phương pháp dạy học tình huống, phương pháp dạy học dự án, phương pháp bàn tay nặn bột. |
Năng lực NCKH là tổng hợp của nhiều năng lực thành phần nên việc phát triển năng lực NCKH cho học sinh sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục phổ thông với giáo dục ĐH. Bên cạnh đó việc phát triển năng lực NCKH cho học sinh còn góp phần hình thành và bồi dưỡng những phẩm chất cần thiết của người lao động mới. Đó là tính kiên trì, nhẫn nại, khắc phục khó khăn, tìm tòi sáng tạo, khách quan, chính xác. Về cấu trúc, cũng như mọi năng lực khác, năng lực NCKH gồm 3 thành tố chủ yếu: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Về kiến thức, bao gồm kiến thức khoa học chuyên ngành và kiến thức về phương pháp NCKH (nghiên cứu hàn lâm và cộng đồng). Về kỹ năng, ngoài kỹ năng xây dựng đề tài nghiên cứu, kỹ năng thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu còn có kỹ năng phân tích dữ liệu và sử dụng công cụ phân tích. Bên cạnh đó cần có kỹ năng phê phán, kỹ năng lập luận và kỹ năng viết báo cáo khoa học…
Đối với học sinh phổ thông cần chú ý năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề. Đó là khả năng phân tích phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập, trong cuộc sống. Thứ hai là năng lực quan sát: Là khả năng tri giác nhanh chóng và chính xác những điểm quan trọng, chủ yếu và đặc sắc của sự vật, hiện tượng cho dù những điểm đó khó nhận thấy hoặc có thể là thứ yếu. Thứ ba là năng lực đọc và tìm kiếm thông tin: Qua nghiên cứu, đọc, thu thập tài liệu và tìm thông tin giúp học sinh phát hiện hoặc nhận ra các vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu. Cuối cùng, năng lực tư duy bao gồm các thao tác như: Phân tích, tổng hợp, so sánh khái quát hóa.
234 dự án tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia Từ ngày 5 đến 8-3, Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc do Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Tiệp (Hải Phòng). Có 31 sở GD-ĐT từ Thừa Thiên – Huế trở ra và 4 trường ĐH có học sinh chuyên tham gia hội thi với 234 dự án thuộc 20 lĩnh vực; trong đó có 173 dự án ở bậc THPT và 61 dự án ở bậc THCS. Đây là các dự án đã đoạt giải tại hội thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành năm 2015. Được biết, ngoài điểm thi tại Hải Phòng, điểm thi thứ 2 được Bộ GD-ĐT chọn cho khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) là Đồng Nai. |
Làm thế nào để giúp học sinh trau dồi phương pháp NCKH? Theo tôi, đầu tiên là hướng dẫn học sinh lập kế hoạch tự học, tự nghiên cứu. Đây là công việc khó đòi hỏi các em cần có sự hướng dẫn của giáo viên; phải được diễn ra theo trình tự đã sắp xếp, có tính khoa học, tránh hiện tượng bị động không đạt kết quả. Theo đó, giáo viên phải kiểm tra kế hoạch và có bổ sung nhận xét. Không làm thay mà để các em tự sửa chữa, điều chỉnh kế hoạch của mình. Thứ hai, hướng dẫn học sinh tự đọc và tìm kiếm tài liệu nhằm giúp các em phát hiện ra các vấn đề và đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu. Cho học sinh đọc trước bài học để tóm tắt ý chính, trả lời các câu hỏi và thu thập tài liệu liên quan. Thứ ba, thường xuyên cho học sinh làm đề tài nhỏ, giúp các em chủ động làm việc có mục đích và đam mê khoa học vì thế nên cần rèn luyện sớm. Đề tài nhỏ ở đây giống như một dự án học tập đơn giản trong thời gian ngắn. Thứ tư, cho học sinh chuẩn bị một phần bài học rồi tập báo cáo trước lớp nhằm mục đích rèn luyện kỹ năng diễn đạt, có đủ tự tin khi đứng trước đám đông. Đây là phẩm chất bắt buộc của một nhà NCKH. Thứ năm, xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập phát triển tư duy sáng tạo là việc làm cần thiết với các yêu cầu như: Chính xác, khoa học; phong phú, đa dạng, xuyên suốt chương trình; có tính hệ thống, tính logic…
Để học sinh tự chủ động tham gia NCKH, việc tăng cường bồi dưỡng năng lực NCKH đối với các em ở trường phổ thông là yêu cầu có tính chất khách quan trong quá trình dạy học. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Nguyễn Xuân Quy
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)G.C
Bình luận (0)