Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vỉa hè: “Chiếc bánh ngon” đã được chia đều?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-3, trên số báo 1.733, Giáo dục TP.HCM đã có phóng sự ảnh: Vỉa hè nào cho người đi bộ? phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán tại TP.HCM. Cùng dịp, chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 6-3 của VTV cũng phản ánh tình trạng chia nhau lợi nhuận từ vỉa hè tại Hà Nội. Phải chăng tại TP.HCM, “chiếc bánh ngon” vỉa hè cũng đã được chia đều…?

Đoạn qua chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1), vỉa hè bị chiếm dụng, khách du lịch phải đi bộ dưới lòng đường

Để trả lời cho câu hỏi này, PV Báo Giáo dục TP.HCM đã đi tìm hiểu tại những địa bàn nóng về hành vi lấn chiếm vỉa hè…

“Chiếc bánh” đang bị xâu xé

Nếu đất ở quận 1 là vàng thì vỉa hè ở đây là kim cương. Bởi vậy, hầu hết vỉa hè ở đây đều bị người dân chiếm dụng làm nơi mưu sinh. Phóng viên cùng với những người đi bộ khác đã phải rất vất vả khi đi trên vỉa hè các con đường Nguyễn Công Trứ, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Calmette… Cản bước của người đi bộ không chỉ là sự án ngữ của các bãi giữ xe mà còn là các quán ăn, giải khát…

Không chỉ nội thành mà ngay cả vùng ven và ngoại thành, vỉa hè cũng bị “xẻ thịt”, buôn bán lớn chiếm lớn, buôn bán nhỏ chiếm nhỏ… Khi chúng tôi đặt câu hỏi, có phải người kinh doanh “bỏ túi” cho người có trách nhiệm để không bị xử phạt? một cán bộ quận Q.7 khẳng định: “Lâu nay không hề có chuyện đó”. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận ở một số địa phương khác, thời gian qua có hiện tượng lợi ích nhóm giữa những người thực thi pháp luật.

Qua tìm hiểu, phóng viên cũng phát hiện, tình trạng phạt “ảo”, phạt hình thức cá nhân vi phạm là có để những người vi phạm khác không phản ứng.

Xử thì dễ, phạt mới khó

Ông Võ Duy Minh – Phó Chủ tịch UBND P.15, Q.8 – cho biết: Vỉa hè có hai loại, gồm: Vỉa hè thuộc đường do TP quản lý và vỉa hè thuộc đường nội bộ, đường số do quận, huyện quản lý. Riêng P.15, Q.8, tất cả các vỉa hè trên địa bàn đều do phường quản lý và lực lượng này thuộc Đội trật tự quản lý đô thị của quận đưa xuống. Trong các đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, quận phối hợp với phường, công an và lực lượng bảo vệ dân phố để thực thi công vụ.

Cũng theo ông Minh, phường có quyền xử phạt hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè với mức phạt tối đa là 2 triệu đồng. Tùy theo vụ việc mà lập biên bản tại hiện trường sau đó về phường ra quyết định xử phạt; hoặc đưa hết bàn ghế, hàng hóa… về phường rồi mời chủ lên để làm việc và ra quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, “Đội thường xuyên tuần tra, xử phạt người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, người dân bất chấp. Thậm chí có hộ kinh doanh, trong một tháng mà ký cả chục cái biên bản xử phạt. Khi ký vào biên bản thì họ cam kết không tái phạm nhưng biên bản chưa ráo mực họ đã tái phạm”, ông Nguyễn Văn Hùng – Đội quản lý trật tự đô thị Q.Bình Tân – cho biết.

Một thực tế nữa khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn tái diễn là sự nhập nhằng trong quản lý, xử phạt người vi phạm. Vị cán bộ nói trên thừa nhận: “Lâu nay, thu nhập chính của gia đình họ là mua bán nhỏ. Mình xử phạt hoài, kiến nghị rút giấy phép thì gia đình họ sống thế nào. Chúng tôi gặp nhiều trường hợp, ra quyết định xử phạt cũng phải cân nhắc. Thực tế giấy phạt cầm cả xấp nhưng họ đâu có tiền mà đóng. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải tuyên truyền họ trả lại khoảng không vỉa hè, hạn chế nhếch nhác, bày biện hàng hóa, bàn ghế”.

Sắp xếp lại vỉa hè: Yêu cầu bức thiết

Sở dĩ vỉa hè được gọi là vỉa hè bởi chức năng của nó là đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, ở những nơi tấc đất tấc vàng như Hà Nội, TP.HCM thì vỉa hè đã không còn là vỉa hè nữa rồi. Việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là vấn đề cấp thiết tại những địa phương này.

Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên – Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – thì: TP.HCM là một trong những đô thị đang phải đối mặt với tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng một cách vô tội vạ. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của TP. Tuy nhiên, vỉa hè Sài Gòn với những hàng quán, gánh hàng rong đặc trưng, những con người thân thiện… ít nhiều đã làm nên một Sài Gòn hơn 300 năm. Việc quy hoạch, lập lại trật tự vỉa hè, chỉnh trang đô thị, hạn chế tai nạn giao thông là thật sự cần thiết, song cũng cần chú ý đến nhiều yếu tố khác.

Vâng, vấn đề bây giờ là phải làm sao cân bằng giữa nhu cầu mưu sinh của người dân và mỹ quan đô thị. Nhưng trên hết, đã là vỉa hè thì dù lớn hay nhỏ cũng phải dành một phần cho người đi bộ, tránh tình trạng khách bộ hành phải đi xuống lòng đường dễ bị tai nạn giao thông…

Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)