Một tiết học môn lịch sử của học sinh lớp 12. Ảnh: Anh Khôi
|
Theo số liệu do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) công bố tỉ lệ học sinh (HS) chọn lịch sử làm môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 ở vị trí thấp nhất trong các môn tự chọn: 11,52% (104.959/ 910.831 HS dự thi). Số liệu này mang đến nhiều nỗi ngậm ngùi cho những thầy cô đang dạy bộ môn này ở trường phổ thông.
Lịch sử ngày càng mất vị trí
Bộ GD-ĐT đã xác định mục tiêu môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông như sau: Môn lịch sử ở trường phổ thông nhằm giúp cho HS có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới; góp phần hình thành ở HS thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong xã hội.
Rõ ràng môn lịch sử được trao nhiệm vụ rất quan trọng trong giáo dục HS: Hiểu biết tri thức quá khứ, có thái độ ứng xử phù hợp với cộng đồng và với các giá trị truyền thống của dân tộc, bước đầu hình thành tư duy khoa học; hay nói theo GS.NGND Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam), môn lịch sử có “vai trò rất quan trọng để hình thành nhân cách, bản lĩnh và giáo dục năng lực tư duy cho HS”. Theo logic thông thường, với nhiệm vụ này, bộ môn lịch sử sẽ được trọng vọng và có vị trí rất cao trong kế hoạch dạy học của nhà trường. Nhưng thực tế dạy học ở trường phổ thông lại phản ánh điều ngược lại: Xuyên suốt từ bậc tiểu học đến bậc THPT, số tiết dành cho môn lịch sử chỉ giới hạn trong phạm vi 1-2 tiết/tuần; từ vị trí trung bình ở bậc THCS (ngang hàng với địa lý, công nghệ), môn lịch sử rơi xuống hàng thấp nhất ở bậc THPT (ngang hàng với sinh học, địa lý, công nghệ, chỉ xếp trên GDCD), kém xa các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Thêm vào đó, trong các khối thi ĐH phổ biến, môn lịch sử chỉ tồn tại trong khối C – khối thi rất ít HS lựa chọn. Như vậy, lịch sử có số tiết rất khiêm tốn trong kế hoạch dạy học, lại chẳng liên quan nhiều đến các khối thi ĐH nên môn học này bị xem là môn phụ và phải nhận lãnh thái độ xem thường từ nhiều phía.
“Nỗi khổ” học lịch sử
Trước hết, HS phải theo học một chương trình có dung lượng kiến thức nặng nề, bề rộng mênh mông, bao gồm các sự kiện diễn ra từ thời nguyên thủy đến thời hiện đại của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học – kỹ thuật… được lặp đi lặp lại một cách nhàm chán ở bậc THCS và THPT (dù chương trình lịch sử ở THPT có trình độ cao hơn). Phương tiện học tập chính của HS là sách giáo khoa nhưng quyển sách này rất khô khan, không hấp dẫn, khó lĩnh hội đối với HS và trong thực tế, các em ít khi dùng đến trừ phi phải trả lời câu hỏi của giáo viên hoặc trong trường hợp kiểm tra. Thứ hai, HS phải học những giờ lịch sử tẻ nhạt và luôn đối mặt với vấn nạn học thuộc lòng. Giờ học lịch sử ở trường phổ thông chỉ có một vài hoạt động đơn điệu: Kiểm tra bài cũ, giảng bài mới và đặt một vài câu hỏi (mà đáp án có sẵn trong sách giáo khoa), cuối cùng là giáo viên đọc cho HS chép một bài tóm gọn từ sách giáo khoa để về nhà học thuộc. Hoạt động thảo luận, tranh luận không diễn ra hoặc chỉ là hình thức (chẳng hạn, thời gian tìm hiểu, thảo luận, chuẩn bị trình bày một vấn đề là 1-2 phút), rất hiếm khi HS được trình bày quan điểm riêng về một vấn đề lịch sử (và dù được giáo viên trân trọng, các em cũng không thể trình bày trong bài thi nếu những ý kiến đó không có trong sách giáo khoa!). Khi đến kỳ thi thì HS phải tập trung trí tuệ để học thuộc lòng những mốc thời gian, những số liệu dài dòng cùng với hàng loạt tên đất, tên người… mà các em chẳng biết phải học để làm gì!
Việc học sử rồi sẽ ra sao?
Khi nào các vấn đề thuộc về cơ chế quản lý, chương trình học… chưa được giải quyết, quy cách tuyển sinh ĐH vẫn không thay đổi và HS chưa nhận thức được mục đích, tác dụng của việc học lịch sử thì khi đó, dù có đôi chút cảm tình nhưng HS vẫn sẽ không học lịch sử một cách nghiêm túc và từ chối chọn lịch sử làm môn thi tốt nghiệp.
|
Có thể nói, phần lớn HS cuối cấp cố gắng học lịch sử là để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng với việc Bộ GD-ĐT cho phép HS tự chọn môn thi tốt nghiệp theo phương án mới thì sợi dây cương cuối cùng này đã bị rũ bỏ. Đành rằng trong phương án mới, Bộ GD-ĐT cũng xác định: Kết quả xét tốt nghiệp bao gồm điểm trung bình 4 môn thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2 nhưng vì mục tiêu đậu ĐH, nhiều HS sẵn sàng chọn lối học vừa đủ điểm ở những môn mà các em cho là không cần thiết. Trong năm học tới, chắc chắn rằng HS chỉ tập trung học 2 môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trùng với các môn thuộc khối thi ĐH. Và với chương trình học nặng nề, kiểu đánh giá thuộc lòng, không có mặt trong nhiều khối thi ĐH, lịch sử sẽ vẫn khiêm tốn ở vị trí cuối bảng lựa chọn.
Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể sẽ tạm thời xoa dịu được dư luận, giảm áp lực cho HS (vì chương trình học quá nặng) nhưng lại xa rời các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại về đánh giá và dẫn tiếp đến hệ quả là không đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. Giờ đây, trường học trở thành “trung tâm luyện thi” ĐH, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT mang ý nghĩa của cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Giáo viên dạy môn lịch sử sẽ phải đối mặt với thái độ xem thường, lơ là của HS, sẽ nặng mang mặc cảm môn phụ và không khỏi có cảm giác đang bắt ép các HS học điều mà các em nghĩ là không hữu ích. Khi đó, các nhà giáo sẽ không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến sứ mệnh của bộ môn lịch sử được xác định mục tiêu giáo dục.
Hồ Thanh Tâm
(ThS. lịch sử, giáo viên Trường THPT Gia Định, TP.HCM)
Không khơi dậy tư duy phê phán và tư duy sáng tạo
Cách dạy lịch sử hiện nay chỉ có tác dụng tạo ra sự mệt mỏi đầu óc và những lối mòn trong nhận thức mà không khơi dậy ở HS tư duy phê phán và tư duy sáng tạo. Vậy là, từ một môn học chứa đầy cảm xúc với quá khứ, định hướng nhận thức, hành động trong hiện tại, lịch sử trở thành nỗi thống khổ của HS. Và nếu chọn lịch sử làm môn thi tốt nghiệp, HS sẽ phải đối mặt với một việc rất khó khăn là học thuộc lòng toàn bộ chương trình lịch sử lớp 12 với 25 bài (không kể 2 bài tổng kết) được trình bày trên 200 trang sách.
|
Bình luận (0)