Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên cho trò “tự xử”

Tạp Chí Giáo Dục

Ở trường tôi dạy có một vấn đề xảy ra như sau: Trong giờ dạy tiếng Anh của mình, vì tranh thủ thời gian học sinh làm bài nên cô Quyên đã xuống cuối lớp để trang trí góc học tập; lát sau phía trên có hai học sinh mâu thuẫn, gây lộn và đến mách cô nhưng cô không giải quyết mà bảo hai em “tự xử”. Thế là sau giờ học hai em ra ngoài lớp đánh nhau, để lại một vết bầm khá rõ trên cánh tay em Hải (Hải là con cô Ngư – giáo viên Anh văn của trường). Về nhà, phụ huynh phát hiện ra vết thương ở cánh tay Hải liền chở em quay lại trường và yêu cầu nhà trường phải đưa em đi bệnh viện để thẩm định vết thương và xử lý kỷ luật cô Quyên.
Bố em Hải là một luật sư, do nóng lòng con mình bị thương như vậy nên sáng hôm sau ông đã mời một nhà báo đến trường và mang theo một số tấm hình chụp vết thương cùng kết quả khám của em để yêu cầu nhà trường đưa ra mức độ xử lý cô Quyên ngay và phải có biên bản rõ ràng để đưa cho ông.
Cách giải quyết của hiệu trưởng
Sau khi biết sự việc xảy ra như vậy, hiệu trưởng nhà trường đã xem xét một cách rất khoa học. Thầy đã mời cô Quyên xuống phòng làm việc của mình để làm bản tường trình về sự việc trên và cô kết luận rằng mình không có lỗi vì không đánh em Hải. Với vai trò là một nhà quản lý, thầy hiệu trưởng đã giải thích để cô Quyên biết mình sai chỗ nào, mặc dù cô không trực tiếp đánh phạt học sinh nhưng cô đã sai ở chỗ chưa làm tốt công tác chủ nhiệm, chưa yêu thương, quan tâm đến học sinh; không lắng nghe ý kiến của các em nên để xảy ra hiện tượng học sinh đánh nhau chỉ vì câu nói vô tình của cô. Thầy cũng nắm rõ được tâm lý của phụ huynh lúc bấy giờ và khuyên cô Quyên nên đến gia đình em Hải để xin lỗi.
Đối với phụ huynh, hiệu trưởng cũng xử lý rất khéo léo, thầy hứa sẽ có hình thức kỷ luật cô Quyên sau ba ngày tới. Trong thời gian đó thầy đã thu thập được một số thông tin từ phía các em học sinh trong lớp 5/2 và được biết em Hải là một học sinh rất hiếu động, rất hay gây sự với các bạn; và sự việc xảy ra như trên là do em trêu chọc bạn làm bạn bực tức nên mới đánh nhau. Một phần nữa là do cô Quyên và cô Ngư trong tổ khối cũng đã xảy ra một số mâu thuẫn trong công việc nên đây cũng là dịp để gia đình cô Ngư kiện cô Quyên. Trong tập thể giáo viên, ai cũng đứng về phía cô Quyên vì cô là một giáo viên có phẩm chất rất tốt, hiền lành, hòa đồng với mọi người. Còn với cô Ngư gần như mọi người đều quay mặt vì cho rằng cô đã chỉ bảo chồng đi kiện cáo đồng nghiệp của mình. Sau khi xem xét tất cả sự việc, thầy hiệu trưởng đã có cuộc họp hội đồng sư phạm để lấy ý kiến tập thể và đưa ra hình thức kỷ luật: “Cảnh cáo trước toàn trường về công tác chủ nhiệm của cô Quyên chưa tốt và chậm tăng lương một năm”.
Về hình thức kỷ luật đưa ra, hiệu trưởng đã chú trọng đến yếu tố con người – thầy đã xem xét tất cả quá trình công tác của cô Quyên, từ khi về trường giảng dạy cô chưa có vi phạm vấn đề gì và cũng được tập thể yêu thương, quan tâm. Bên cạnh đó, thầy cũng đã giải quyết được một số mâu thuẫn giữa cô Quyên và cô Ngư.
Qua tình huống có vấn đề trên, tôi thấy thầy hiệu trưởng đã áp dụng được một số nguyên tắc trong quản lý để giải quyết sự việc.
Châu Lệ Hương (Học viên Khoa QLGD, ĐH Sài Gòn)

Bình luận (0)