Nhiều năm dạy học ở trường dân lập – tư thục, ngoài chuyên môn, tôi còn kiêm công việc giáo viên quản nhiệm (gần giống như giáo viên chủ nhiệm ở trường công). Công việc này đã để lại nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên khi tiếp xúc trực tiếp hay qua điện thoại với các bậc phụ huynh.
Phần lớn học sinh ở các trường dân lập – tư thục thường không ngoan và học yếu hơn trường công nên các trường đều có đội ngũ giáo viên quản nhiệm để quản lý chặt chẽ, dạy các em kỹ năng sống và giúp học tốt hơn qua việc truy bài, hướng dẫn làm bài tập… (do phần lớn học sinh từ các tỉnh lên thành phố học). Chính vì thế, giáo viên quản nhiệm thường hay liên lạc với phụ huynh để trao đổi vấn đề học tập và kỷ luật của con em họ.
Tuy nhiên, đa phần khi thấy số điện thoại của giáo viên quản nhiệm, phụ huynh rất lo lắng. Còn với giáo viên, ngoài những việc quan trọng như họp phụ huynh đầu năm, cuối năm… thì họ thường gọi điện thoại cho phụ huynh khi học sinh vi phạm kỷ luật hoặc học yếu.
Do đó, mỗi lần tôi gọi là một lần phụ huynh “thót tim”. Sau một thời gian làm việc, tôi đã rút ra cho mình bài học là, mỗi khi gọi điện “mắng vốn” về con em họ, tôi chào hỏi một cách thân thiện, hỏi thăm về gia đình rồi mới bắt đầu đi vào vấn đề để phụ huynh nhẹ nhàng hơn. (Thực tế, việc dạy dỗ những em học sinh cá biệt hay khi tiếp xúc một số ít phụ huynh, đôi lúc giáo viên cũng phải đối diện với sự “cam go” và “oái oăm”). Nhưng tôi không dừng lại ở việc gọi điện cho phụ huynh khi học sinh mắc lỗi. Nếu thời gian rỗi, tôi vẫn thường liên lạc với họ để hỏi thăm sức khỏe, để tìm hiểu cá tính của học sinh, từ đó có phương pháp dạy tốt hơn. Và khi các em có sự tiến bộ, tôi vẫn hay gọi báo cho phụ huynh hay. Mặc dù nhiều lần tôi gọi phụ huynh như thế nhưng mỗi lần thấy số điện thoại của tôi, câu đầu tiên của họ thường là: “Chào thầy! Cháu nó lại vi phạm gì hả thầy?”, “Em ơi, có chuyện gì ạ?”… Tôi lại phải giải thích: “Em gọi để nói chuyện với anh (chị) vậy thôi, sao lúc nào anh (chị) cũng nghĩ là cháu vi phạm kỷ luật em mới gọi”. Câu trả lời của họ thường là “quen rồi” bởi trước nay mỗi lần nghe điện thoại của giáo viên là bị mắng vốn…
Mỗi học sinh có hoàn cảnh sống khác nhau, cá tính khác nhau, do đó giáo viên cần quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh của các em, nhất là những em “cá biệt” để từ đó hiểu các em nhiều hơn. Còn với phụ huynh, giáo viên cần giao tiếp một cách cởi mở, tế nhị và chân thành để tạo nên môi trường sư phạm thân thiện, văn minh và nghĩa tình.
Thái Hoàng
Bình luận (0)