Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục phổ thông Việt Nam: 12 năm hay 11 năm?: Cấu trúc lại hệ thống giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

“Để đổi mới toàn diện giáo dục phải bắt đầu từ cấu trúc hệ thống. Từ đó mới ra chương trình, ra sách giáo khoa. Chưa có cấu trúc hệ thống đã làm sách giáo khoa, tôi không biết sẽ làm kiểu gì?”, GS. Trần Xuân Nhĩ nói.

Giáo dục phổ thông hoàn toàn có thể thực hiện được trong 11 năm. Nhưng để làm được, cấu trúc hệ thống giáo dục phải thay đổi. Đó là nhận định của GS. Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập). 
GS. Nhĩ cho biết: Hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta đã qua các giai đoạn 9 năm, 10 năm và bây giờ là 12 năm. Tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng thời gian học phổ thông trong 11 năm vì những nguyên nhân sau: Thứ nhất là cách dạy của chúng ta hiện nay là dạy cho học sinh phương pháp học. Chỉ cần có phương pháp học là các em có thể tự tìm hiểu được những kiến thức cần biết. Còn học 12 năm hay 13 năm mà nhồi nhét thì không có kết quả do khoa học hiện nay thay đổi liên tục. Nếu chúng ta có phương pháp học hợp lý thì thời gian học phổ thông không cần kéo dài 12 năm. Thứ hai là trẻ ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học thông minh đã giỏi hơn ngày xưa rất nhiều. Trong khi đó, với chương trình 9 năm, 10 năm trước đây chúng ta vẫn có những người tài. Thứ ba là nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nếu bớt đi một năm học mà vẫn đạt được yêu cầu thì chúng ta tiết kiệm được 1/12 ngân sách dành cho giáo dục phổ thông. Thứ tư là về lao động: Học sinh lao động sớm hơn một năm thì chúng ta sẽ có thêm 300 triệu ngày công lao động phục vụ đất nước, xã hội. Mỗi ngày công chỉ 100.000 đồng thì con số cũng rất lớn. Thứ năm là các trường đang tổ chức học 1 buổi/ngày hoặc chỉ 1 buổi rưỡi mà lớp học thì có sĩ số đông; trong khi mỗi năm chúng ta có 3 triệu học sinh (cả 3 khối 10, 11 và 12), nếu ta bớt 1 năm thì chỉ còn 2 triệu học sinh phổ thông. Do đó, chúng ta có thể thực hiện học 2 buổi/ngày, chất lượng sẽ được tăng lên. Thứ sáu, theo nghị quyết 29, kiến thức phổ thông chỉ 9 năm, đến THPT sẽ phân ban, phân luồng. Tôi cho rằng chỉ cần 40% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp tục lên ĐH nghiên cứu, 40% học trung học nghề, số còn lại đi học nghề ngắn hạn. Còn hiện nay, học sinh học đủ các thứ rất lãng phí. Với những lý do trên, tôi nghĩ chỉ cần học 11 năm là đủ.
PV: Nhưng nhiều người cho rằng không thể thay đổi vì liên quan đến Luật Giáo dục, thưa GS?
– Luật là do con người đặt ra, nếu luật không còn phù hợp thì thay đổi. Không có gì khó khăn. Luật pháp là những gì đưa ra phải làm lợi cho con người, cho xã hội. Tôi nghĩ người ta ngại thay đổi vì tâm lý “nhiệm kỳ”.
Nếu giáo dục phổ thông còn 11 năm, cách thiết kế chương trình của chúng ta như thế nào, thưa GS?
– Tôi vẫn cho rằng việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của Bộ GD-ĐT “bập” vào sách giáo khoa là làm ngược. Giống như muốn xây một cái nhà, phải mời kỹ sư thiết kế cái nhà đó mới tính đến nguyên vật liệu, nội thất… Nhưng chưa làm thiết kế đã xây dựng chương trình sách giáo khoa. Lẽ ra, sau nghị quyết 29, Bộ GD-ĐT cần phải đi vào thay đổi hệ thống giáo dục. Như vậy, để đổi mới toàn diện giáo dục phải bắt đầu từ cấu trúc hệ thống. Từ đó mới ra chương trình, ra sách giáo khoa. Chưa có cấu trúc hệ thống đã làm sách giáo khoa, tôi không biết sẽ làm kiểu gì?
Theo GS, rút ngắn chương trình phổ thông còn 11 năm có thực hiện được không?
– Hoàn toàn thực hiện được.
Còn đội ngũ giáo viên thì sao, thưa GS?
– Lâu nay họ vẫn dạy toán, lý, hóa, sinh… Họ hoàn toàn làm được. Nói thay đổi phương pháp nghe có vẻ cao siêu nhưng thực chất rất đơn giản. Ví dụ như dạy về Bà Trưng, trước đây, thầy ở trên bục giảng nói đủ các vấn đề liên quan đến Bà Trưng. Còn học trò ở dưới, các em nghe hay không, tiếp thu được như thế nào, giáo viên không biết. Ngày nay, giáo viên chỉ gợi ý học sinh xem Bà Trưng là ai, quê quán, cuộc khởi nghĩa như thế nào, bà hy sinh ra sao?… Và khi vào giờ học, học sinh được phân thành các nhóm trao đổi. Phương pháp dạy cứ nghĩ ghê gớm nhưng thực ra hết sức đơn giản. Chỉ chuyển từ việc người thầy phải tư duy sang học trò phải tư duy.
Xin cảm ơn GS!
Nghiêm Huê

Bình luận (0)