Chuyện gần như diễn ra đều đặn hàng ngày ở trường tiểu học nơi tôi đang công tác: Cứ vào giờ ra chơi buổi sáng là mọi người bắt gặp hình ảnh một phụ nữ dáng nhỏ nhắn, lăng xăng xin anh bảo vệ cho vào trong sân trường. Sau đó chị nhanh chân tiến đến băng ghế đá cạnh cây phượng già chờ con mình đến; trong khi đó, thằng bé nhác thấy mẹ là chạy ùa đến miệng ríu ra ríu rít đủ thứ chuyện. Chị nhanh tay lấy trong giỏ xách mang theo khi thì gói xôi, lúc ổ bánh mì thịt, có khi chị bưng cả tô hủ tiếu mua ngoài cổng trường vào… Chị từ tốn đút cho con từng muỗng nhỏ, vừa dỗ ngon, dụ ngọt con ráng ăn cho nhiều để có sức mà học; còn thằng bé cứ úm a, úm ờ, ăn từng miếng nhỏ có khi ngậm cả họng mà không chịu nuốt. Khi nghe tiếng trống vào học chị vội lấy hộp sữa động viên con ráng uống cho khỏe giống như mấy bạn trong phim quảng cáo sữa bò trên ti vi. Có lần chờ thằng bé vào lớp học, tôi mới tiến đến hỏi thăm chị. Tôi nói: “Con chị đã học lớp 2, mập mạp, khỏe mạnh hơn các bạn cùng trang lứa, sao chị không tập cháu có thói quen tự lo cho mình mà phải thường xuyên chăm sóc còn hơn trẻ mới lên 2-3 tuổi”. Chị cười cho biết: “Cháu nó từ nhỏ đến giờ không tự múc cơm ăn một mình được mà phải nhờ mẹ giúp. Vì từ bé cháu được ông bà nội, ngoại hai bên thương yêu, chiều chuộng, muốn gì được nấy… Vì vậy tôi phải cố gắng chăm sóc cháu dù có cực cách mấy, như thầy thấy, dù có kẹt công việc tôi cũng sắp xếp thời gian tranh thủ giờ ra chơi là đến trường cho cháu ăn thêm chút ít để ông bà vui lòng”.
Nghe vậy, tôi liền góp ý: “Con thì cha mẹ nào không thương, nhưng thương như chị thì không hay bởi vì ngay từ nhỏ, khi còn ngồi trên ghế trường tiểu học chị phải tập cho con tính tự lập trong học tập, ăn uống, sinh hoạt… Có một điều mà chị quên là con chị lớn từng ngày, cha mẹ chỉ giúp khi con cái gặp khó khăn. Chị đừng làm thay cháu từ việc dễ đến việc khó, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn nhằm trang bị kỹ năng sống, giúp cháu chín chắn hơn, mai sau bước vào đời bằng đôi chân vững vàng”.
Trần Văn Tám (Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)