Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô dạy không giống cách của thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Cầm học bạ và giấy báo cho vào lớp 4/1 của em A., học sinh mới chuyển về trường đầu học kỳ 2 của năm học 2013-2014, cô D. – giáo viên chủ nhiệm lớp – có vẻ hài lòng vì điểm số các môn học của A. rất cao. Học vài tuần cô D. đã nhận xét khách quan về A. với đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường như sau: Em đúng là học nổi trội tất cả các môn, có chữ viết rất đẹp; tuy nhiên với môn toán, nhất là toán có lời văn em thường không làm hết bài, có khi phải bỏ giấy trắng…
Sau đó, cô đã gặp riêng A. để tìm hiểu thêm lý do vì sao em chưa bao giờ làm bài toán có lời văn hoàn hảo 100%. Em A. cho biết: “Cô dạy cách làm toán không giống như cách của thầy C. dạy ở trường trước đây con đã học”. Nghe vậy cô giật mình suy nghĩ và đặt ra nhiều câu hỏi: Phương pháp dạy toán của mình không phù hợp chỗ nào? có giảng bài nhanh hay không? A. không thuộc quy tắc hay không biết phân tích đề, cần cô giúp đỡ ra sao?…
Sau khi cân nhắc, cô hỏi thêm A. cho rõ lý do với mục đích có hướng phụ đạo cho em vì sắp đến kỳ kiểm tra cuối năm học. Tuy nhiên, cô bất ngờ khi nghe A. trả lời: “Thầy C. dạy khác cô ở chỗ, bài toán có lời văn thầy tóm tắt sẵn, ghi luôn lời giải và các phép tính trên bảng. Chúng con chỉ thực hiện phép tính rồi tìm ra kết quả điền vô thôi”. Nghe A. nói, cô nghĩ cách dạy của thầy giáo đó hết sức giản đơn, không khó nhọc gì và nó chẳng đem lại kết quả cao vì không động viên tính tự học của học sinh. Các em chẳng hề có chút tư duy, suy nghĩ mà chỉ biết như cái máy làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia được thầy giáo ghi sẵn, sau đó điền đáp số rồi nộp. Đây cũng là bệnh thành tích mà người thầy mắc phải, vì cuối năm nhìn vào bảng tổng kết lớp của thầy sẽ thấy toàn là học sinh xếp loại học lực khá giỏi; danh hiệu thi đua của lớp cao ngất ngưởng so với các lớp khác trong trường. Thế nhưng, ít ai biết thực chất các kết quả này có từ cách “dạy hơi lạ” của thầy mà ra chứ hoàn toàn không có trong các phương pháp dạy toán tiểu học đã được học ở trường sư phạm.
Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Bình luận (0)