Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Liệu có gấp gáp, vội vã?

Tạp Chí Giáo Dục

HS tiểu học được tiếp cận với đồ dùng dạy học sinh động, hấp dẫn. Ảnh: Anh Khôi
Những ngày gần đây, giáo viên (GV) tiểu học lại xôn xao khi nghe tin Dự thảo thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học thay thế thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT sẽ được áp dụng trong năm học 2014-2015. Sao lại gấp gáp như thế khi các thầy cô được biết là mới lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo?
Theo Bộ GD-ĐT, quy định mới “nhằm đánh giá toàn diện HS” thế nhưng, qua tìm hiểu quy định mới này, GV tiểu học chỉ biết lắc đầu ngao ngán…
Cụ thể, theo quy định mới, GV tiểu học phải nhận định, nhận xét, chỉ ra nguyên nhân, biện pháp cụ thể cho từng HS trong quá trình học tập ghi vào vở, phiếu. Ngoài ra, GV còn được thông tin là phải ghi vào “sổ theo dõi đánh giá” hay “nhật ký nhận xét, đánh giá”. Như vậy, trước tiên theo quy định mới này GV tiểu học đã phải thêm việc, thêm “gánh nặng” sổ sách.
Các GV tiểu học hiện nay hầu hết dạy 2 buổi, sĩ số HS đông, với cách thực hiện như thế này thì họ phải đem việc về nhà làm buổi tối mới có thể thực hiện hết công việc được. Cũng theo quy định mới, HS tự đánh giá mình ngay trong khi hoặc sau khi thực hiện nhiệm vụ học tập và báo cáo cho GV. Các em cũng tham gia thực hiện nhận xét, góp ý đánh giá bạn. Thực tế, việc cho HS đánh giá này, những năm qua cũng đã thực hiện nhưng không đem lại hiệu quả vì HS tiểu học hiện nay chưa mạnh dạn, cũng như chưa đủ khả năng, sự hiểu biết để đánh giá đúng, chính xác bản thân mình và bạn bè. Gần như các em chỉ lặp lại những nhận xét của một vài HS giỏi, lanh lợi của lớp.
Phụ huynh cũng được tham gia đánh giá thông qua việc quan sát hoặc cùng tham gia hoạt động học tập, hoạt động giáo dục, đưa ra nhận xét, nhận định rồi trao đổi với GV. Thực tế có bao nhiêu phụ huynh có thời gian để tham gia thường xuyên vào các hoạt động này để có được nhận xét đánh giá chính xác hay lại là những ý kiến cảm tính gây khó cho GV.
Việc xếp loại HS tiểu học theo quy định mới sẽ là hoàn thành hoặc chưa hoàn thành, đạt hay chưa đạt. Những năm học qua, khi thực hiện các môn đánh giá như tự nhiên xã hội, kỹ thuật, mỹ thuật, thể dục… thì gần như 100% HS hoàn thành. Trước đó, khi còn chấm điểm các môn học này thì có HS dưới điểm trung bình. Điều này rất đáng quan tâm, tìm hiểu. Vậy thực hiện đánh giá thường xuyên không điểm số theo quy định mới như thế này liệu có chính xác, toàn diện?
Không có cách đánh giá nào tối ưu mà điều quan trọng là chính bản thân GV quan tâm sâu sát, hiểu biết từng HS để giúp các em tiến bộ từng ngày. Xin đừng gấp gáp, vội vã thực hiện các quy định để rồi chỉ làm GV thêm việc, thêm ngán ngẩm nghề mà không đem lại kết quả thực tế như mong muốn.
Điều quan trọng nhất mà GV tiểu học băn khoăn là những năm gần đây, cách đánh giá HS thường thay đổi và chỉ bằng một văn bản quy định đã buộc họ phải thực hiện ngay. Mọi sự gấp gáp, vội vã nhất là chưa có ý kiến đóng góp, chưa có sự hiểu biết thông suốt của GV – người trực tiếp thực hiện văn bản liệu có khả thi? Hay GV buộc phải thực hiện theo văn bản quy định dù chỉ đảm bảo về mặt hình thức. Như năm học 2013-2014 vừa qua, vào năm học, có văn bản không chấm điểm HS lớp 1 ở học kì I và yêu cầu phải thực hiện ngay. Triển khai vội vã, thực hiện một cách lúng túng khiến GV lớp 1 hết sức vất vả, cực nhọc. Theo đó, GV lớp 1 cũng phải chấm điểm rồi mới dựa vào đó để nhận xét đánh giá. Chẳng hạn ở môn toán, bài làm của HS phải quy ra 10 yêu cầu (tương đương 10 điểm) rồi dựa vào số yêu cầu để nhận xét đánh giá. Cuối học kì I, khi phê vào sổ liên lạc, khung lời phê nhỏ, muốn phê cụ thể, rõ ràng thì phải đủ các phân môn như đọc, viết, rồi toán. Lời phê chi chít. Lớp có sĩ số đông, việc phê như thế rất mất thời gian, GV lớp 1 dạy 2 buổi nên phải mang việc về nhà để tiếp tục làm. Thế mà, phụ huynh vẫn không hiểu, tìm gặp GV để nêu thắc mắc: Hoàn thành là mấy điểm? Là giỏi, khá hay trung bình? Giỏi là 10 điểm hay 9 điểm?…
Lê Phương Trí
(GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
 
Năm học 2013-2014 vừa qua, vào năm học, có văn bản không chấm điểm HS lớp 1 ở học kì I và yêu cầu phải thực hiện ngay. Triển khai vội vã, thực hiện một cách lúng túng khiến GV lớp 1 hết sức vất vả, cực nhọc.
 

Bình luận (0)