Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỳ thi “hai trong một”: Nếu không nghiêm túc sẽ rất lãng phí

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng ý với việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, kết quả vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào đại học, nhưng lãnh đạo các trường đại học cho rằng, nếu kỳ thi không nghiêm túc, họ sẽ phải thi riêng. Khi đó, việc tổ chức kỳ thi "hai trong một" là rất lãng phí.

Không chất lượng, nhiều trường sẽ thi riêng

Phó giáo sư Lê Hữu Lập, đại diện truyền thông của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, nếu Bộ không thi “ba chung” nữa thì trường sẽ phải tổ chức thi riêng. Hình thức thi có thể đơn giản như trắc nghiệm.

Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng làm thủ tục dự thi. (Ảnh: TTXVN)

“Tổ chức thi riêng đương nhiên phức tạp hơn, nhất là khâu ra đề, nhưng chúng tôi không thể chỉ dựa vào học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vì… không thể tin được,” ông Lập chia sẻ.

Sự nghi ngại này của phó giáo sư Lập là tất yếu khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua đã không tạo được lòng tin trong xã hội về chất lượng. Lòng tin ấy càng bị xói mòn hơn khi năm nào cũng thấy xuất hiện những hình ảnh tiêu cực trong phòng thi tràn lan trên mạng internet, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao chót vót, chạm ngưỡng 100%.

Bày tỏ sự tiếc nuối “ba chung”, ông Lập cho biết, tới đây, nếu có một trung tâm đánh giá, kiểm định chất lượng đáng tin cậy thì trường sẽ tuyển đầu vào dựa trên đánh giá của trung tâm này.

“Chúng tôi cũng hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thật nghiêm túc. Nếu kỳ thi tạo được độ tin cậy về chất lượng thì Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng như các trường đại học khác không cần phải tổ chức thêm kỳ thi riêng,” phó giáo sư Lập nói.

Cũng theo ông Lập, việc tổ chức kỳ thi quốc gia “hai trong một” sẽ tốn kém hơn so với thi tốt nghiệp trung học phổ thông đơn thuần như mọi năm do khâu tổ chức thi, chấm thi phải phức tạp hơn. Do đó, nếu nó không đạt được mục tiêu là dùng kết quả để xét tuyển đại học, khiến các trường phải tổ chức thêm kỳ tuyển sinh riêng thì sự tốn kém, áp lực không hề giảm mà còn tăng lên.

Cán bộ coi thi đối chiếu ảnh trên hồ sơ với khuôn mặt thật của thí sinh – một bước quan trọng để phát hiện thí sinh thi hộ. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Đây cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội. “Tổ chức thi ‘hai trong một’ là để giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, nhưng nếu không đảm bảo chất lượng, kết quả không được sử dụng để xét tuyển đại học thì lại là sự lãng phí lớn,” ông Tú nói.

Còn theo Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hoàng Văn Châu, nếu các trường buộc lòng phải thi riêng thì sẽ rất lộn xộn, khó tránh khỏi tình trạng luyện thi vì đây là quy luật cung cầu, cũng như không thể đảm bảo chất lượng đầu vào vì đề thi dễ, khó tùy trường.

Cần sự vào cuộc của trường đại học

Đề xuất phương án đảm bảo chất lượng kỳ thi, ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương cho rằng điều này không quá khó nếu có sự vào cuộc của các trường đại học, cao đẳng.

Cụ thể, các giảng viên đại học sẽ tham gia trong mọi khâu của kỳ thi, từ hội đồng thi đến giám thị coi thi, làm giám khảo chấm thi, thanh tra thi… Chẳng hạn một phòng có một giám thị là giảng viên đại học, một giám thị là giáo viên trung học phổ thông.

“Số lượng giảng viên đại học, cao đẳng khá lớn. Mọi năm, các trường đại học vẫn tự tổ chức tuyển sinh nên hoàn toàn khả thi về mặt nhân lực khi huy động lực lượng này cho các trường phổ thông. Mặt khác, nhiều trường đã mời giáo viên phổ thông cùng coi thi, chấm thi đại học nên sự kết hợp này cũng không quá mới mẻ,” ông Châu phân tích.

Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu cũng cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự quyết tâm, cùng với sự vào cuộc của toàn ngành thì hoàn toàn có thể tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia với mục đích “hai trong một” như kỳ vọng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, cũng cho biết, chất lượng của kỳ thi chính là vấn đề mà Bộ “đau đầu” và lo lắng nhất.

“Để đảm bảo được độ tin cậy thì kỳ thi phải thực sự nghiêm túc, ít nhất như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà Bộ đã làm trong hơn 10 năm qua. Đây cũng là điều mà Bộ rất mong mỏi được lắng nghe các ý kiến đóng góp của dư luận để tổ chức thi thế nào cho thật sự chất lượng,” ông Ga nói./.

Phạm Mai

(Vietnam+)

Bình luận (0)