Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục phổ thông Việt Nam: 12 năm hay 11 năm?: Cần thực nghiệm đánh giá chương trình trước

Tạp Chí Giáo Dục

Cá nhân tôi, với tư cách là một nhà giáo (không phải với tư cách Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM) rất tâm đắc với diễn đàn này. Bởi kiến thức phổ thông xưa nay vốn là nền tảng quan trọng trong cuộc đời đi học của một con người. Là cơ sở để đổi mới giáo dục nên chương trình cũng là yếu tố giúp chúng ta xác định rõ nhiệm vụ trọng yếu của giáo dục phổ thông. 
Khi đánh giá giáo dục, chúng ta phải xem xét hàng loạt vấn đề mà bắt đầu từ chương trình học, sách giáo khoa, đến đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra đánh giá và cả cơ sở vật chất trường lớp. Chương trình chỉ là một yếu tố trong sự phát triển chung của giáo dục nên thật sự dư luận vẫn chưa đồng tình thay đổi một mình nó. Bởi vì yếu tố đầu tiên không có gì khác ngoài đội ngũ nhà giáo vì đây là khâu then chốt nhất. Đội ngũ nhà giáo phải là những người có tâm, giàu nhiệt huyết với nghề, với học sinh như lời khuyên của cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu”. Còn chương trình hay sách giáo khoa cũng chỉ đi sau con người, vì thế chúng ta không nên loay hoay tìm kiếm vừa mất công vừa tốn kém. Muốn vậy phải xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, củng cố hệ thống trường sư phạm và quan tâm đến cả đầu vào. Đây mới là gốc của vấn đề.
Thực ra nói chương trình nặng cũng chỉ theo cảm tính chứ chưa có một căn cứ nào khẳng định nên cần có công trình nghiên cứu khoa học mới có thể đi đến quyết định giữ lại 12 năm hay rút bớt còn 11 năm. Muốn vậy phải qua thực nghiệm đánh giá và dù có tốn tiền nhưng vẫn không tốn kém hơn ra những bộ sách giáo khoa. Nên rà soát lại các môn học kết hợp với thực nghiệm để đánh giá chính xác.
Về đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay, hầu hết các thầy cô rất tâm huyết, học hành bài bản… Tuy nhiên vẫn có rào cản là quyền hạn rất không rõ ràng, không được tự chủ về các mặt như tổ chức tài chính đó là chưa nói đến đồng lương quá ít ỏi không tương xứng với công sức cống hiến mà thầy cô bỏ ra.
PGS.TS Nguyễn Xuân Tế
(Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM) 

Bình luận (0)