Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thực hiện một kỳ thi quốc gia: Không thể vội vàng!

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tranh luận trong tiết học được chia nhóm. Ảnh: D.Bình
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015 nhằm xét tốt nghiệp THPT, đồng thời lấy điểm để xét tuyển vào trường ĐH, CĐ. Xin nói ngay, việc tổ chức một kỳ thi là nên làm, để tiết kiệm chi phí, công sức cho toàn xã hội, đồng thời giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi phải chăng là quá sớm và thiếu tính khả thi? Trước hết, có thể thấy ngay rằng, với quan niệm dạy – học và quản lý việc dạy – học hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ là hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau về mục đích, đối tượng, cách thức. Từ một thực tế về hai kỳ thi không có sự liên hệ gần gũi nào với nhau mà chuyển thành một kỳ thi chung, rồi lấy kết quả cho hai mục tiêu khác nhau có lẽ tạo nên cú “sốc” đối với giáo viên và học sinh. Có một tâm lý chung là, học sinh lớp 12 đều được tạo điều kiện và làm “công tác tư tưởng” để thi đậu tốt nghiệp, đồng thời tính tiếp thi tuyển ĐH; như vậy, đậu tốt nghiệp là điều kiện cần, trúng tuyển ĐH là điều kiện đủ, các em có hai lần để vượt qua; nếu chỉ còn một kỳ thi thì sự chuẩn bị nên tiến hành thế nào đây, nhất là về mặt tâm lý? Trước giờ, tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông thường ở mức cận 100%, nay ra một kỳ thi chung thì tỉ lệ này thay đổi, ngành giáo dục sẽ gánh cú “sốc” ra sao? Không khéo, chúng ta sẽ đi từ một thái cực này sang một thái cực khác. Từ thực tế đó, tôi xin đề xuất:
Thứ nhất, chưa nên tiến hành vội một kỳ thi quốc gia, ít nhất trong vòng 3 năm nữa, mà phải chuẩn bị tiền đề kỹ càng, trong đó đặc biệt là sự chuẩn bị về việc dạy và học ở bậc THPT (khoảng thời gian 3 năm là đủ cho một bậc học – chẳng hạn, có thể tiến hành vào năm học 2018-2019, sau khi đã có 3 năm “báo động” về một kỳ thi chung, có thể định hình từ năm học 2015-2016. Vì hiện nay vẫn chưa chốt phương án, trong khi năm học 2014-2015 đã cận kề). Trong thời gian này, cần điều chỉnh và đổi mới quyết liệt việc dạy và học, cùng việc kiểm tra, đánh giá ở tất cả các bậc học, siết chặt tỉ lệ tốt nghiệp (dù thi hay công nhận). Có thể tham khảo vài con số: Bậc THCS, tỉ lệ học sinh được xét công nhận tốt nghiệp nên dưới 90%; ở bậc THPT, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp qua kỳ thi nên dưới 80%; các số này có thể được “ấn định” vào năm học 2018-2019 và nên giảm dần từ nay cho đến thời điểm đó. Con số 80% này tương đương với khoảng hơn 20% số học sinh tốt nghiệp phổ thông hiện nay không thể vào học một trường ĐH hoặc CĐ nào). Số học sinh không tốt nghiệp sẽ được chuyển sang học nghề; trong số các trường nghề này, có một số trường nên công nhận hệ 9+5 để có bằng CĐ, 9+4 để có bằng TC nghề đồng thời với một bằng chứng nhận tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, kỳ thi quốc gia nên có 5 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc gồm văn, toán, ngoại ngữ; 2 môn tự chọn trong số 6 môn sau: Lịch sử, địa lý (dành cho các ngành khoa học xã hội), hóa học, sinh học (dành cho các ngành khoa học tự nhiên), vật lý, công nghệ (dành cho các ngành kỹ thuật – công nghệ). Riêng các trường có tính năng khiếu (như thanh nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, thể thao…) thì có thể tổ chức thi tuyển sinh 1 môn theo yêu cầu dành cho các học sinh đã đủ điểm tốt nghiệp THPT. Đồng thời, một số trường/ngành có tính chuyên biệt (như luật, hành chính, báo chí…) cũng có thể tổ chức kỳ thi riêng để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Việc đăng ký môn thi có thể tiến hành từ đầu học kỳ II của năm lớp 12 và học sinh phải đủ “điểm sàn” tất cả các môn trong chương trình học mới được tham dự kỳ thi cuối khóa. “Điểm sàn” này nên cân nhắc ở các phương án, tốt nhất là từ 5,0 trở lên, hoặc có thể đạt 4,5 trở lên. Học sinh không đủ “điểm sàn” hoặc đạt hạnh kiểm loại kém thì không được dự thi. Yêu cầu này buộc học sinh phải có sự chú tâm hơn đến những môn không thi, bởi thực tế học sinh chỉ phải thi chưa đến 1/2 tổng số môn và dễ có tâm lý “buông” các môn không thi; đồng thời buộc học sinh phải nỗ lực rèn luyện hạnh kiểm, đạo đức trong thời gian học tập.
Thứ ba, cân nhắc việc “thi theo bài”. Việc “tích hợp” các môn thi vào một bài thi vừa khó cho người ra đề, vừa khó cho người thi và khó cho cả người chấm. Việc đánh giá năng lực học sinh thông qua 5 môn thi ở kỳ thi chung là vừa phải, không thể đòi hỏi năng lực của học sinh có kiến thức, kỹ năng tính toán lại phải làm bài thi có tính phân tích, lý luận từ các kiến thức khoa học xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình học, giáo viên có thể ra những bài kiểm tra mang tính tích hợp ở những môn gần nhau; chẳng hạn, bài làm văn có thể lồng ghép môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân; bài vật lý có thể lồng ghép với môn toán, công nghệ… Cách kiểm tra và đánh giá này chủ yếu để nâng cao năng lực tư duy của học sinh chứ không nên trở thành một đòi hỏi có tính “quyết định” trong một kỳ thi cho ảnh hưởng lớn đến tương lai của mỗi học sinh.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Cần có cơ sở lý luận vững chắc
Một kỳ thi chung quốc gia là cần thiết nhưng không thể tiến hành vội vàng, chưa qua khảo sát và lấy ý kiến rộng rãi. Việc thực hiện bất kỳ một cải tiến, đổi mới nào mà thiếu những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc có thể trở lại hiện tượng cải tiến liên tục như trong thời gian qua của ngành giáo dục mà nhiều ý kiến cho rằng không ít thế hệ học sinh đã bị biến thành “chuột bạch”. Phải hết sức cân nhắc!
 
 

Bình luận (0)