Các em học sinh đang thảo luận trong tiết học được chia nhóm. Ảnh: D.Bình
|
Tuy bây giờ giữ trọng trách Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhưng NGƯT Trần Thanh Đức (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh) vẫn luôn gắn bó với ngành giáo dục. Khi Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, NGƯT Trần Thanh Đức đã chia sẻ với Giáo dục TP.HCM những băn khoăn của mình về một kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2015.
NGƯT Trần Thanh Đức cho biết: Trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, phương án 2 là phương án tạo ra sự đổi mới. Nếu thực hiện luôn phương án 3 thì quá đột ngột, kể cả học sinh trường chuyên cũng không thể thực hiện được phương án 3. Theo tôi, để có sự kế thừa và phát triển thì năm sau (2015 – PV) nên thi theo phương án 1, đến năm 2016, thực hiện phương án 2 và sau 2020 mới đủ sức thực hiện phương án 3.
PV: Thưa ông, việc liên tục thay đổi như thế thì tâm lý học sinh có bất ổn?
– Tôi nghĩ vẫn ổn vì đó là sự kế tiếp. Bản chất thi theo môn hay theo bài không khác nhau. Trên thế giới, bậc THPT thi theo bài nhiều. Mình thi theo bài thì sẽ hay hơn. Cho nên, ngay cả phương án 2 cũng cần có sự điều chỉnh, tôi thấy phương án 2 là phương án đổi mới nhất. Còn xét về phát triển, phương án 3 giáo dục Việt Nam phải hướng tới. Ở hiện tại, điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất, tâm lý phụ huynh khó lòng thực hiện phương án 3. Nhưng sau 2020 tất cả phải thực hiện phương án 3.
Tại sao là sau 2020, thưa ông?
– Thực hiện sau 2020 là bởi có mấy việc phải làm: Bản chất của đổi mới giáo dục phổ thông phải gắn với việc đổi mới kỳ thi để xét vào ĐH. Từ nay tới 2020, thời gian đó phải đổi mới cả cách tuyển ĐH. Đổi mới cách thi phổ thông mà không thay đổi cách tuyển ĐH thì không tạo ra sự đồng bộ. Lộ trình từ nay đến 2020 cũng là để giúp các trường ĐH thấy rõ hơn cách tuyển sinh, phương án tuyển của mình. Còn hiện tại, việc thi theo khối A, B, C đã lạc hậu, không khoa học. Cách đó các em học lệch từ năm lớp 6, do đó chúng ta khó có thể tổng hợp kiến thức cho học sinh. Ngay bây giờ làm liền phương án 3 thì điều kiện xã hội chưa cho phép. Cần có thời gian để chuẩn bị. Do đó, phương án 1 chỉ một năm, năm 2016 phương án 2 rồi từng bước qua phương án 3.
Thực tế năm 2014 chúng ta đã đổi mới rồi, theo ông, làm hơn thì có ổn không?
– Theo tôi, đổi mới năm 2014 đi theo hướng giảm tải, chưa tạo ra hướng tích hợp kiến thức và hình thành kỹ năng. Vấn đề phải nghĩ đến là tạo ra kiến thức và kỹ năng để tăng sự hội nhập của học sinh với thế giới chứ không phải là hơn nhau giữa các tỉnh hay hôm nay hơn ngày hôm qua. Đổi mới này là để hợp với xu thế hội nhập. Những kỹ năng, giá trị này mà giới trẻ thế giới cần thì học sinh Việt Nam cũng cần, chính vì vậy mạnh dạn đổi mới. Còn nếu duy trì thói quen không dám thay đổi thì sẽ hạn chế sự hội nhập của giới trẻ Việt Nam. Có thể nói, thay đổi cách thi sẽ ảnh hưởng đến cách dạy và học.
Khi thay đổi cách thi mà chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) không thay đổi thì giáo viên có thích nghi được ngay không, thưa ông?
– Thực ra chúng ta phải có sự thay đổi về SGK. Cá nhân tôi ủng hộ phương án là Bộ GD-ĐT chỉ làm CT, có nhiều bộ SGK. Sẽ không có sự sáng tạo nếu chỉ có một bộ SGK, tất cả giáo viên cả nước dạy cùng một bộ SGK. Sự phát triển phải có sự năng động của người dạy. Bộ GD-ĐT ban hành CT, khung CT, còn viết SGK cần có nhiều người tham gia thì sẽ phù hợp với các đối tượng học sinh theo năng lực khác nhau giữa các vùng miền.
Thi theo cụm phải làm phách theo cụm
Trong dự thảo phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT có đưa ra hình thức tổ chức thi theo cụm. Nhưng dư luận vẫn rất băn khoăn về tiêu cực trong kỳ thi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Trước đây chúng ta đã thi theo cụm và chấm thi theo cụm rồi. Thất bại lúc đó là do chúng ta không làm phách theo cụm, dẫn đến tình trạng tỉnh này sẽ biết bài thi của tỉnh khác. Thời gian còn làm Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, tôi đã nói với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân: Tổ chức thi theo cụm thì phải làm phách theo cụm. Các tỉnh chấm bài lẫn nhau với điều kiện không biết đang chấm bài của ai thì tính khách quan sẽ cao, thi rồi chuyển cho giáo viên tỉnh này, tỉnh kia chấm thì sẽ không khách quan.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, nếu chấm thi theo cụm, tôi nghĩ rằng sẽ lý tưởng nhưng khâu tổ chức rất khó khăn vì để thỏa mãn nhu cầu chấm của một vùng phải huy động một lượng lớn người đến vùng đó thì việc ăn ở, đi lại rất khó khăn. Cho nên chúng ta tổ chức thi theo cụm, sau đó làm phách chung và đưa về các địa phương chấm độc lập, không biết bài của tỉnh nào thì vẫn đảm bảo tính khách quan. Còn nếu theo cách cũ: Thi cụm, chấm chéo lẫn nhau thì sẽ thất bại.
Đấy là khâu chấm thi, còn khâu tổ chức, thưa ông?
– Khâu tổ chức thi nên có sự giám sát sâu của các trường ĐH để kết quả tốt hơn. Trên thực tế chúng ta đã làm việc này nhưng dần dần tổ chức sao cho nghiêm túc hơn. Còn nếu thi mà thiếu sự giám sát của các đơn vị độc lập thì kết quả không có độ tin tưởng cao. Các khâu coi thi, chấm thi, ra đề thì khâu coi thi dễ có nhiều tiêu cực nhất. Trước đây chúng ta đã nghĩ đến phương án thi tốt nghiệp để các địa phương tự quyết, còn thi ĐH để các trường năng động. Đó cũng là một phương án ta cần suy nghĩ. Còn phương án một kỳ thi thống nhất thì phù hợp với xu thế nhưng chúng ta tạo ra một công bằng giống nhau rất khó. Nhưng từ từ, tôi hy vọng chúng ta sẽ tiến tới một kỳ thi công bằng, khách quan.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Đổi mới năm 2014 đi theo hướng giảm tải, chưa tạo ra hướng tích hợp kiến thức và hình thành kỹ năng. Vấn đề phải nghĩ đến là tạo ra kiến thức và kỹ năng để tăng sự hội nhập của học sinh với thế giới chứ không phải là hơn nhau giữa các tỉnh hay hôm nay hơn ngày hôm qua. |
Bình luận (0)