Năm học 2014-2015 tại TP.HCM, mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tiếp tục triển khai nhân rộng trên tinh thần tự nguyện ở những trường tiểu học có điều kiện (có 51 trường tiểu học ở các huyện ngoại thành tham gia). Để chuẩn bị giảng dạy mô hình thật tốt trong năm học này, giữa tháng 5-2014, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã mở lớp tập huấn mô hình VNEN cho 250 học viên là chuyên viên của phòng GD-ĐT các huyện ngoại thành; phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và giáo viên cốt cán các trường có tổ chức dạy mô hình này. Báo cáo viên, ngoài các chuyên viên của Sở GD-ĐT còn có 9 giáo viên nòng cốt của Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) – trường đầu tiên của thành phố áp dụng mô hình này từ năm học 2011-2012 – chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình giảng dạy; hướng dẫn cách thức tổ chức điều hành trong tiết dạy… và tổ chức dạy minh họa 3 tiết của môn tiếng Việt, toán, tự nhiên và xã hội lớp 2.
Ngay những ngày đầu năm học mới này, tôi có trao đổi với các đồng nghiệp làm công tác chuyên môn và tiến hành công tác thăm lớp, dự giờ ở đơn vị nhằm mục đích xem giáo viên có vận dụng nhuần nhuyễn những gì đã được tập huấn, học tập; đồng thời muốn nghe ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp khi áp dụng vào thực tế mô hình này thì có thầy cô nói thật lòng: Đôi lúc bản thân còn lúng túng nhầm lẫn giữa cách dạy VNEN với cách dạy đã quen từ trước. Đó là các môn học được áp dụng dạy theo mô hình VNEN (toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội) sách có nội dung mới, giáo viên không cần soạn giáo án vì trong sách đã được thiết kế sẵn cho giáo viên dạy. Các môn còn lại như: Âm nhạc, đạo đức, mỹ thuật, thể dục, thủ công thì giáo viên vẫn dạy sách cũ (sách cải cách năm 2000), bởi nội dung cũng như hình thức trình bày của sách giáo khoa năm 2000 không giống sách của VNEN. Hiện tại giáo viên dạy lớp theo mô hình VNEN phải bám theo 2 chương trình, có 2 bộ sách giáo khoa nên phương pháp tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy, quy trình dạy… không hề giống nhau: Lúc dạy theo mô hình mới, lúc dạy theo phương pháp truyền thống; lớp học khi bàn ghế được kê thành nhóm nhỏ để dễ dàng thảo luận, khi xếp từng dãy để dễ theo dõi bài dạy của giáo viên…
Để giáo viên thích ứng theo mô hình VNEN (lên lớp quen với các hoạt động, hình thức dạy các môn học) đòi hỏi phải có thời gian trao đổi, học tập, dự giờ tương đối nhiều, chứ giáo viên chưa được trang bị kỹ về chuyên môn thì khi dạy chắc chắn còn khập khiễng, lúng túng.
Trần Văn Tám
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)