Một tiết học môn ngữ văn ở bậc THCS (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
|
Nhằm góp phần triển khai và cụ thể hóa nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, vừa qua Trường ĐH Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên THCS”. Tại đây, PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn – đã khẳng định nhu cầu cần thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT trong hoàn cảnh còn có nhiều bất cập trong thực tiễn dạy học hiện nay.
Theo ông Ngoạn, những bất cập đó không chỉ quá nhiều mà còn chờ đợi giải pháp quá lâu nay đang cần sự đổi mới cấp thiết. Một lý do khác – theo ông Ngoạn – đổi mới GD-ĐT phải bắt đầu từ cái gốc, có nghĩa là từ các trường sư phạm. Nếu không thì chỉ là cái vòng luẩn quẩn không có lối ra.
Để có chương trình đào tạo giáo viên (GV) THCS khoa học và phù hợp với thực tế, TS. Nguyễn Văn Thắng (Trường ĐH Sài Gòn) đưa ra ý kiến: “Giáo dục phổ thông thay đổi sau 2015 theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực là một chương trình đào tạo phù hợp. Đào tạo theo chương trình chuẩn năng lực không chỉ có ý nghĩa tiền đề và cốt yếu đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn đáp ứng nhu cầu xã hội và mang tính liên thông quốc tế. Có như vậy mọi người qua đào tạo đều có thể đạt được một mức năng lực cao nhất”. Theo ông Thắng, bên cạnh đánh giá tập trung vào năng lực người dạy và người học, chương trình này cho phép thầy trò có những lựa chọn linh hoạt và chủ động. Năng lực chung của người thầy thường bao gồm năng lực bản thân, năng lực về quan hệ xã hội, năng lực công cụ. Còn năng lực nghề dạy học là năng lực chuyên môn và năng lực nghiệp vụ mà mỗi GV cần phải được trang bị tốt. Còn theo ThS. Nguyễn Thị Cẩm Vân (Trường ĐH Sài Gòn), dạy học tự định hướng có nhiều lợi thế mà trong đó “điểm cộng” là phát huy cao tính tích cực chủ động của người học. Đây còn là “cơ hội vàng” để khuyến khích HS đam mê tìm tòi và nghiên cứu. Đó là quá trình học tập theo phương hướng do người học (chứ không ai khác, kể cả GV) tự xác định nhu cầu học tập của chính mình. Tuy nhiên – theo bà Vân – dạy học tự định hướng không phải là lựa chọn tối ưu mà còn tùy thuộc vào đặc điểm tình hình từng lớp, từng bài tập từng chủ đề nên người thầy phải biết “lượng sức” trong quá trình thực hiện.
Đi sâu vào từng bộ môn, TS. Nguyễn Ái Quốc (Trường ĐH Sài Gòn) đưa ra phương pháp dạy – học tích cực trong bộ môn toán thông qua sự so sánh giữa cách dạy truyền thống và dạy học tích cực để tôn vinh cách dạy học tiên tiến như: Tổ chức hoạt động học tập của HS, rèn luyện phương pháp tự học, thầy trò cùng đánh giá, tổ chức đối thoại trong dạy học, dạy học theo phương pháp tích hợp… Đối với GV khoa vật lý lại cần trang bị nhiều về kiến thức sư phạm chuyên ngành, tăng cường học tập cá thể phối hợp học tập hợp tác…
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Tứ – Phó trưởng khoa Sau ĐH (Trường ĐH Vinh) – lại đi sâu vào câu chuyện tích hợp và phân hóa trong đào tạo bồi dưỡng GV ngữ văn ở trường THCS. Góp ý cho việc đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo và sử dụng “những kỹ sư tâm hồn”, ông Tứ đưa ra một số đề nghị có tính giải pháp như: Ưu tiên số 1 cho tuyển sinh đối với các khoa, trường sư phạm; tiên lượng được những tác động của đổi mới SGK và chương trình đến chương trình đào tạo của trường sư phạm. Ngoài chú trọng năng lực giáo dục, các thầy cô ở trường sư phạm cần quan tâm bồi dưỡng năng lực vận dụng và kỹ năng thực hành của người giáo sinh. Việc chuẩn hóa đội ngũ cần được giao nhiệm vụ cho các trường ĐH đào tạo theo hệ 4 năm, tăng cường bồi dưỡng sau đào tạo và kết hợp đào tạo sau ĐH dù điều lệ trường THCS không bắt buộc…
Phan Ngọc Quang
“Đây là hội thảo khoa học được đánh giá cao vì có nhiệm vụ định hướng việc đổi mới nội dung, khung chương trình và phương pháp dạy học bậc THCS. Phải thấy rằng THCS là bậc học quan trọng vì tại đây các em HS được trang bị đủ kiến thức cơ bản để bước vào chuyên sâu bậc THPT và có thêm cơ hội định hướng nghề nghiệp. Thay vì truyền thụ kiến thức một chiều, GV phải biết phát huy năng lực sáng tạo của HS thông qua tích hợp môn, tích hợp nhóm… Trong xu thế hiện nay, TP.HCM phải có những trường học tiên tiến tương xứng với các nước trong khu vực. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo lại, chúng ta phải đào tạo mới đội ngũ GV đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp và nội dung. Có như vậy mới có cơ hội chủ động hội nhập quốc tế” – ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh.
|
GV còn “non tay nghề”
Tại hội thảo, TS. Ninh Văn Bình – nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Phú Nhuận (TP.HCM), một người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý các trường THCS – nhận xét: Hiện nay chất lượng GV mới vào nghề dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục nếu không nói là “non tay”. Một trong những nguyên nhân của tồn tại này xuất phát từ thực trạng nội dung và phương pháp đào tạo của các trường sư phạm chưa theo kịp nhu cầu của sự đổi mới tại cơ sở. Như vậy, đổi mới nội dung chương trình giáo dục bậc THCS và đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo GV THCS tại các trường sư phạm là nhu cầu có thật và cấp bách. “Việc đổi mới nếu được tiến hành đồng bộ sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công nhanh chóng, bền vững, đáp ứng mong đợi của xã hội”, ông Bình khẳng định.
|
Bình luận (0)