Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Mưa dầm thấm lâu…”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Đinh Thị Hồng Liên trong một giờ lên lớp
“Đối với những em học sinh cá biệt, đừng vội nôn nóng thay đổi các em trong chốc lát mà hãy kiên trì, mưa dầm thì thấm lâu thôi…”.
Chị Đinh Thị Hồng Liên (sinh năm 1986) – giáo viên bộ môn vật lý Trường THCS An Phú Đông, Q.12 (TP.HCM) – tươi cười kể với chúng tôi về những kỷ niệm trong gần 8 năm được đứng trên bục giảng. Và thành tích “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm học 2013-2014 do Thành đoàn TP.HCM bình chọn chính là động lực để chị Liên tiếp tục phấn đấu trên những chặng đường phía trước.
Yêu nghề sẽ biết tự phấn đấu
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên ngay từ khi còn cắp sách đến trường, cô bé Liên đã mơ ước sau này mình trở thành cô giáo. “Những khi nhìn chị gái thướt tha trong tà áo dài để đến trường dạy học, tôi đã nghĩ mình cũng sẽ trở thành một cô giáo như chị. Và ước mơ ngày bé của tôi nay đã thành hiện thực”, chị Liên cho biết.
Chị Liên cho biết thêm: “Tôi may mắn vì được lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình. Mẹ tôi là một giáo viên mầm non nên từ bé tôi đã được mẹ chăm sóc, uốn nắn nhiều điều. Học xong sư phạm tôi lại được nhận về giảng dạy tại trường xưa (Trường THCS An Phú Đông – PV), được các thầy cô giáo cũ dìu dắt nên càng tạo cho tôi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi được đứng trên bục giảng rồi tôi mới hiểu nghề giáo viên không hề nhàn hạ như trước đây mình từng nghĩ. Trót yêu nghề rồi nên tôi cứ dặn lòng mình phải phấn đấu nhiều hơn thì nghề cũng sẽ không phụ mình”.
Khó khăn rồi cũng đi qua khi ngày ngày đến lớp, chị được nhìn thấy các học trò của mình biết vâng lời, chăm ngoan học tập. Đó cũng chính là động lực để chị phấn đấu trau dồi kiến thức, đưa ra những sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy. Tháng 8-2013, chị Liên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài Xây dựng và sử dụng bài tập thí nghiệm nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức trong dạy học chương Cơ học lớp 6 THCS, chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học môn vật lý. Năm học 2012-2013, chị được nhà trường phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường và bước đầu cũng đã có những thành tích đáng kể. Không chỉ đáp ứng những yêu cầu về giảng dạy, chị Liên còn rất tích cực tham gia các hoạt động ở trường. Hai năm liền làm Bí thư Chi đoàn giáo viên, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Niềm vui của cô giáo trẻ càng được nhân lên khi tháng 9 này, chị sẽ chính thức được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhắc đến cô giáo trẻ Hồng Liên, thầy Phạm Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS An Phú Đông, không khỏi tự hào về một trong những giáo viên trẻ năng động, đầy trách nhiệm của nhà trường: “Ngay từ những ngày đầu mới về nhận công tác, cô Liên đã thể hiện tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Chúng tôi luôn hy vọng ở đội ngũ những giáo viên trẻ có nhiệt huyết như thế sẽ thúc đẩy phong trào giảng dạy, hoạt động của trường”.
Quản lớp bằng tình thương
“Trước đây, bạn bè thường bảo tính tôi lạnh lùng, ít chia sẻ với những người xung quanh. Dần dần, tôi mới nhận ra mình cần phải học cách cân bằng cảm xúc, học cách chia sẻ, yêu thương học trò nhiều hơn nữa thì mới có thể gần gũi với các em được”, chịĐinh Thị Hồng Liên bày tỏ.
“So với những ngày mới về trường nhận công tác, tôi thấy mình trưởng thành, chững chạc hơn rất nhiều. Trước đây, bạn bè thường bảo tính tôi lạnh lùng, ít chia sẻ với những người xung quanh. Dần dần, tôi mới nhận ra mình cần phải học cách cân bằng cảm xúc, học cách chia sẻ, yêu thương học trò nhiều hơn nữa thì mới có thể gần gũi với các em được”, chị Liên trải lòng về những ngày tháng đã qua. Tấm lòng của cô giáo trẻ chính là điều kỳ diệu để kéo các em học sinh cá biệt trở lại lớp học. Chị Liên kể, có lần vào mùa thi, chị xin phép phụ huynh sau mỗi buổi chiều tan học, các em trở về nhà ăn uống, tắm rửa rồi quay trở lại trường để cô giáo khảo bài. Phương châm “mưa dầm thấm lâu” của chị rồi cũng phát huy hiệu quả. Nhiều em học sinh cá biệt nhờ vậy mà đã được lên lớp. Tình cảm giản dị giữa cô và trò cứ đến nhẹ nhàng qua những buổi học như thế. Có em học sinh quý lắm nên gọi cô là “má Liên”.
Trong câu chuyện chị Liên kể có thoáng chút buồn khi nhắc đến hình ảnh cô học trò đã bỏ học giữa chừng vào năm 2009. Những nỗ lực của chị không đủ để em có thể tiếp tục đến trường khi chỉ có mình mẹ đi làm nên buộc em phải nhường cơ hội được đến trường cho em trai. “Năm ấy, tôi đã động viên rất nhiều mà em vẫn quyết định nghỉ học. Ánh mắt cô học trò nhỏ đó vẫn theo tôi đến ngày hôm nay. Có lẽ đó là một trong những kỷ niệm buồn nhất suốt 8 năm tôi đứng trên bục giảng”, chị Liên buồn bã nhắc lại. Chị bảo năm học này sẽ cố gắng vận động nhiều mạnh thường quân ủng hộ cho quỹ khuyến học của trường để tiếp sức thêm cho các em học sinh. “Mong là sẽ có nhiều tấm lòng cùng chung tay với nhà trường để giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, chị Liên nói trong hy vọng.
Bài, ảnh: Yên Hà
“Má Liên!”
Phương châm giáo dục “mưa dầm thấm lâu” của chị Liên rất có hiệu quả. Nhiều học sinh cá biệt nhờ được chị quan tâm dạy dỗ đã được lên lớp, trở thành con ngoan trong gia đình. Vì vậy, nhiều em không ngần ngại gọi chị là “má Liên”. “Lúc đầu, tôi từ chối cách gọi đó vì cứ có cảm giác như mình bị già đi trước tuổi nhưng riết rồi nghe các em gọi lại thấy thân thương lắm. Có em dù đã nghỉ học, hiện đang ở Tây Ninh mưu sinh nhưng mỗi lần điện thoại cho tôi đều xưng hô má – con ngọt xớt, kể tôi nghe về cuộc sống hiện tại của em. Tôi nghe mà ấm lòng vì dù em không theo đuổi con đường học vấn nhưng cũng đã chọn cho mình một cái nghề để nuôi sống bản thân, sống có ích cho gia đình, xã hội”, chị Liên nói.
 
 

Bình luận (0)