GV cần được tập huấn kỹ về cách thức, phương pháp đánh giá HS bằng nhận xét. Ảnh: T.L |
Từ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT triển khai đổi mới đánh giá đối với học sinh (HS) tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 bằng việc áp dụng không chấm điểm và tăng cường nhận xét (năm học 2013-2014 chỉ áp dụng ở lớp 1).
Khi đón nhận thông tin này có giáo viên (GV) tiểu học tỏ thái độ vui mừng vì trước mắt không còn bị áp lực trong giảng dạy phải làm như thế nào để lớp có nhiều HS giỏi, về phía phụ huynh cũng không còn cạnh tranh đưa con học thêm cả ngày lẫn đêm với kì vọng khi kiểm tra định kì con mình đạt điểm cao, đạt danh hiệu xuất sắc vào cuối năm học… Bên cạnh đó, có không ít GV trong lòng cũng tỏ chút lo lắng vì trong thực tế hai năm học qua (2012-2013, 2013-2014), nhà trường tổ chức kiểm tra định kì 4 lần trong năm học, ngoài đánh giá bằng điểm số, GV đã tăng cường nhận xét từng bài làm của các em dựa vào chuẩn kiến thức kĩ năng, mục tiêu bài cần đạt được, thái độ học tập… Còn bài kiểm tra thường xuyên hàng tháng của HS thường GV đánh giá bằng điểm số chứ ít khi nào nhận xét thật cụ thể, chi tiết trên bài làm.
Nếu bây giờ áp dụng đổi mới đánh giá HS tiểu học một cách chính xác thì theo tôi, điều đầu tiên GV phải biết là quan tâm các em nhiều hơn, chú trọng phương pháp dạy nhiều hơn, tránh suy nghĩ nông cạn “không chấm điểm chỉ nhận xét thì không ai biết trình độ tiếp thu hay sức học của HS lớp mình dạy”. Để tránh xảy ra tình trạng đánh giá nặng về cảm tính, không khách quan, GV phải biết quán xuyến HS lớp mình, làm công tác chủ nhiệm thật tốt, giao tiếp tương đối rộng bằng nhiều cách thức như dựa vào các kênh thông tin: HS với HS, phụ huynh với con cái… Bản thân từng GV cũng cố gắng suy nghĩ chọn từ ngữ để nhận xét, đánh giá HS cho phong phú để các em đọc có cảm giác được thương yêu, trân trọng mới thích thú học tập; GV cần tránh có lời phê, lời nhận xét trùng lắp vì HS nghe hoài cũng nhàm nhán, các em không hiểu bạn nào hơn bạn nào…
Tôi được biết vừa qua GV khối lớp 1 của một trường tiểu học đã nghĩ ra cách khắc rất nhiều con dấu lời nhận xét cho 2 môn toán và tiếng Việt, đại loại như: Bài làm thực hiện đúng, chính xác; biết cách đặt câu; cần chú ý viết hoa đầu câu; chữ viết đẹp; có kĩ năng tính toán… Theo đó, mỗi khi chấm kiểm tra, khi đọc xong bài làm của HS nào thì GV lựa con dấu có lời phê thích hợp đóng vào tập, việc làm trên hoàn toàn sai cho đến khi ban giám hiệu nhà trường phát hiện mới ngưng không sử dụng (các GV này thật thà lý giải vì HS đông, khi chấm buộc phải ghi nhận xét từng em rất mất thời gian).
Có thể nói cái tích cực của việc không chấm điểm, tăng nhận xét đối với HS bậc tiểu học thì ai cũng thấy và biết, chỉ có điều vận dụng vào thực tiễn như thế nào cho thật sự “trơn tru” thì các vị cán bộ quản lý giáo dục của từng trường, chuyên viên từng phòng GD-ĐT quận/huyện cần được tập huấn và sau đó họ quán triệt thật kĩ cho đội ngũ GV tiểu học cách thức, phương pháp làm như thế nào để mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, phụ huynh phải hiểu mục đích chính của việc không chấm điểm không nằm ngoài mục đích để tránh, hạn chế và đối phó với việc kiểm tra nhằm đạt điểm cao. HS được GV nhận xét một cách tích cực thì các em sẽ được tăng cường phát triển năng lực tư duy, khả năng giao tiếp, biết chủ động và tự học…
Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)