Với cách làm thuyết phục, công khai, minh bạch và mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, nhiều trường học ở TPHCM đã thành công trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh đóng góp cho các công trình, dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, tạo môi trường học đường thân thiện.
Nhà vệ sinh hiện đại
Sạch sẽ, thoáng mát, hiện đại và không hề vương vấn một tí mùi khó chịu nào. Đó là ấn tượng và sự khác biệt khi bước vào các dãy nhà vệ sinh vừa được đưa vào sử dụng ở Trường THCS Lê Quý Đôn quận 3 TPHCM. Từ vòi rửa tay cho đến bồn cầu đều được trang bị hệ thống tự động. Sau khi đi vệ sinh, học sinh đều có thói quen rửa tay sạch sẽ với những hộp xà bông nước thơm để sẵn trên bồn rửa. “Trước đây chúng em ngại bước vào nhà vệ sinh, còn bây giờ cảm thấy thật thoải mái, dễ chịu như ở nhà vậy…”. Đó là bộc bạch của các em học sinh ở đây.
Nhà vệ sinh sạch sẽ ở Trường THCS Lê Quý Đôn quận 3 TPHCM.
Theo Ban giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn, sau khi lấy ý kiến và được nhiều phụ huynh ủng hộ, nhà trường vận động thêm nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân. “Ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều, tùy theo khả năng và nhà trường không áp đặt mức thu cào bằng. Vì thế, có phụ huynh chỉ đóng 20.000 đồng, cũng có người đóng đến 20 triệu đồng và có rất nhiều phụ huynh không đóng. Thấy công trình này có ý nghĩa thiết thực, từ ban giám hiệu đến thầy cô giáo cũng chung tay đóng góp…”, thầy Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết. Sau khi dự toán tổng chi phí làm nhà vệ sinh hiện đại lên đến trên 600 triệu đồng, nhưng phụ huynh mới đóng góp được một nửa, nhà trường phải chủ động tìm nguồn – vận động một doanh nghiệp tài trợ số tiền thiếu hụt lên đến 315 triệu đồng.
Công trình với quy mô 7 dãy nhà vệ sinh khang trang, hiện đại với gần 140 bồn cầu, đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 3.000 học sinh của trường.
Nói không với quỹ trường, quỹ lớp
Theo thầy Đoàn Hữu Khánh, nhà trường không chủ trương hình thành quỹ trường, quỹ lớp riêng và mỗi khi có việc gì cần thiết phải chi cho học sinh thì ban đại diện cha mẹ học sinh của mỗi lớp tự ứng trước, sau đó mới thu lại của các phụ huynh. Tương tự, thầy Nguyễn Việt Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng quận 10 cũng cho biết nhà trường nói không với quỹ trường, quỹ lớp. Tuy nhiên, để có các nguồn chi, hỗ trợ cho hoạt động giáo dục, chăm lo cho học sinh, nhà trường chỉ yêu cầu phụ huynh đóng góp 60.000 đồng/tháng. Khoản hỗ trợ này được dùng đúng mục đích, công khai vào các nội dung dạy và học theo chuyên đề, chia sẻ với tập thể sư phạm nhà trường, khen thưởng học sinh hàng tháng, cuối học kỳ, tổng kết năm, cải thiện cơ sở vật chất…
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, góp sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn. Thế nhưng vận dụng thế nào cho phù hợp với thực tế và được phụ huynh đồng thuận ủng hộ cao là vấn đề đang được đặt ra. Vì sao có nhiều trường vận động phụ huynh đóng góp hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng để hình thành các câu lạc bộ thể dục thể thao, năng khiếu, phòng tập đa năng, phòng tư vấn học đường… vẫn được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ? Ngược lại cũng có nhiều trường vận động, hô hào trên tinh thần tự nguyện nhưng phụ huynh không tham gia hoặc đóng tiền nhưng cảm thấy không thuyết phục.
Cứ vào năm học mới, các khoản thu thêm, thu ngoài quy định và được “gắn mác” xã hội hóa giáo dục luôn tạo cảm giác nặng nề, thậm chí gây áp lực đối với nhiều phụ huynh. Nguyên nhân gây dị ứng đối với vấn đề nhạy cảm này chính là cách làm của một số trường mang tính áp đặt, chưa tạo được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Năm ngoái, một số phụ huynh ở một trường THCS nội thành phản ứng khi bị ép đóng khoản tiền tự nguyện 400.000 đồng/học sinh để sơn lớp, mua quạt máy… Sở dĩ phụ huynh bực bội là do năm nào trường cũng tái diễn nội dung thu tiền để sơn lớp, mua quạt, cải tạo nhà vệ sinh…và cào bằng mức thu. Đến hẹn lại lên, cứ vào kỳ họp phụ huynh học sinh đầu năm, nhiều trường học lại đẩy trái bóng thu tiền quỹ trường, quỹ lớp, quỹ khuyến học… cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy là khoản thu tự nguyện, có thỏa thuận nhưng cộng dồn mức thu này lên đến bạc triệu và cao hơn nhiều so với khoản thu bắt buộc.
Vì thế, để phụ huynh đồng lòng ủng hộ các công trình, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường thì mọi khoản đóng góp tự nguyện phải bắt nguồn từ lợi ích thiết thực của học sinh.
KHÁNH HÀ
(SGGP)
Bình luận (0)