Giáo viên và học sinh đang gặp khó trong việc định hướng ôn tập, bồi dưỡng kiến thức. Ảnh: Anh Khôi
|
Những năm trước, thời gian thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ cách nhau một tháng, thí sinh có thời gian ôn tập, bổ sung kiến thức. Năm nay, theo quy định mới về một kỳ thi quốc gia, thí sinh bị mất khoảng thời gian chủ động ôn thi này. Khó khăn thứ hai, ngoại trừ thí sinh có nguyện vọng thi khối D và A1, các khối còn lại các em phải ôn tập thêm hai môn nữa để dự thi vào ĐH, CĐ. Riêng môn ngoại ngữ khi đưa vào thi bắt buộc sẽ gây áp lực cho các đối tượng thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn (các em có học lực trung bình), trong khi đó đề thi môn này đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ chênh nhau về độ khó. Thứ ba là về việc bố trí cụm thi, nếu địa phương không có trường ĐH có uy tín thì các thí sinh có nguyện vọng thi vào ĐH sẽ như thế nào? Mặt khác, nếu giao quyền tổ chức cụm thi cho trường ĐH đối với tất cả thí sinh có nguyện vọng tiếp tục học ĐH thì coi như trường có quyền lớn trong việc đánh giá, lựa chọn, hoặc từ chối. Vai trò của sở GD-ĐT các tỉnh/ thành ở kỳ thi này gần như lép vế; trong khi đó chính sở GD-ĐT mới là đơn vị quản lý, đào tạo học sinh suốt từ mầm non đến THPT. Như vậy, liệu vị trí của sở GD-ĐT đã được đặt đúng chỗ hay chưa?
Nếu như trường ĐH tổ chức thi thì liệu có sát sao như trường phổ thông hay không? Hay họ chỉ việc tuyển thí sinh vào theo mục đích của mình, còn hệ quả “sống chết mặc bay” thì chính học sinh tự gánh lấy.
|
Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên tổ chức kỳ thi tại địa phương, có sự phối hợp giữa các trường ĐH và sở GD-ĐT tại tỉnh đó. Còn cách tách cụm ĐH và cụm sở GD-ĐT sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Hiển nhiên ai cũng thấy, khi phân chia như thế này, thí sinh dự thi tại cụm sở GD-ĐT chỉ là các thí sinh có học lực yếu, kém, không đủ khả năng dự thi ĐH. Điều này đôi khi lại dẫn đến tình trạng như kỳ thi tốt nghiệp năm trước, một hội đồng thi môn sử chỉ có vài em, thậm chí là một em. Như vậy cũng gây tốn kém và lãng phí.
Mặt khác, nếu như trường ĐH tổ chức thi thì liệu có sát sao như trường phổ thông hay không? Hay họ chỉ việc tuyển thí sinh vào theo mục đích của mình, còn hệ quả “sống chết mặc bay” thì chính học sinh tự gánh lấy. Đặc biệt, việc tổ chức thi ở cụm ĐH một khi có lượng thí sinh tập trung về quá đông cũng sẽ dẫn đến tình trạng phải huy động nhiều sinh viên năm cuối coi thi và như vậy nghiệp vụ của sinh viên cũng là một vấn đề cần xem xét. Bên cạnh đó việc tổ chức thi cụm như thế cũng buộc rất nhiều học sinh phải đi xa, thuê nhà trọ… Như vậy, một kỳ thi nhưng thí sinh phải gánh đến hai áp lực chồng lên nhau. Trong khi đó, sau khi trải qua kỳ thi này, nếu các trường có số thí sinh đạt đầu vào vượt chỉ tiêu thì họ vẫn sẽ tiếp tục dùng hình thức loại thí sinh theo cơ chế tuyển sinh riêng của mình.
Trong khi Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp thì đến thời điểm hiện tại, các trường ĐH vẫn chưa có đề án tuyển sinh. Điểm này gây khó cho học sinh cũng như giáo viên trong định hướng ôn tập, bồi dưỡng kiến thức.
Lê Hường
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng)
PGS.TS Đỗ Văn Xê (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ): Nên giới hạn số lượng giấy báo điểm
Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia không gây khó cho Trường ĐH Cần Thơ. Bởi từ khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung”, hàng năm ở cụm thi TP.Cần Thơ, chúng tôi đều chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giám thị cho 100% thí sinh là học sinh lớp 12 trong khu vực, và cả thí sinh ở khu vực miền Bắc hay miền Trung đăng ký thi vào Trường ĐH Cần Thơ, dù các em đậu hay rớt tốt nghiệp. Do vậy, việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia sẽ giúp chúng tôi giảm số lượng thí sinh ảo. Nếu số thí sinh có tăng thì tối đa cũng chỉ khoảng 20%.
Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi lo nhất là tình trạng hồ sơ ảo trong đăng ký xét tuyển, do không hạn chế nên thí sinh có điểm cao muốn nộp hồ sơ xét tuyển trường ĐH nào cũng được, vì vậy các em sẽ nộp vào rất nhiều trường. Cụ thể, thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Cần Thơ, được xét trúng tuyển theo đúng chỉ tiêu rồi, nhưng sau đó các em lại chọn học trường khác, như vậy sẽ gây khó và tăng rắc rối cho trường trong công tác xét tuyển. Đồng thời cũng làm mất cơ hội học tập của những thí sinh có điểm kém hơn những em này một chút. Do vậy, tôi đề xuất: Bộ GD-ĐT nên giới hạn số lượng giấy báo điểm, chỉ nên cấp 3 giấy báo điểm như hiện nay thôi.
Đan Phượng (ghi)
|
Bình luận (0)