Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một kỳ thi sao cho khoa học?: Thi tốt nghiệp nên giao cho các địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh trao đổi bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: A.Khôi
Là người gắn bó rất nhiều năm với giáo dục, lại từng làm quản lý, GS. Lâm Quang Thiệp băn khoăn: Tổ chức một kỳ thi quốc gia hợp nhất với hai mục tiêu xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH là một chủ trương đúng, đáng lẽ thực hiện từ lâu, nay thực hiện được là rất tốt. Tuy nhiên, khi thảo luận về các phương án thì tôi cho rằng phương án 1 không giúp đánh giá toàn diện bậc học phổ thông cũng không tạo thuận lợi để xét tuyển ĐH nên đã ủng hộ phương án 2 mà bộ đưa ra và một phần phương án của ĐHQG Hà Nội. Nhưng cuối cùng bộ đã lựa chọn phương án 1. Có lẽ Bộ GD-ĐT lựa chọn phương án ấy vì chưa muốn thay đổi nhiều, đặc biệt là thay đổi về phương pháp (trắc nghiệm hay tự luận) đối với các môn thi. Có thể hiểu việc lựa chọn này chỉ là bước đầu tiên, như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có lần phát biểu, việc cải tiến kỳ thi là một đoạn đường dài phải đi nhiều bước. Tôi mong Bộ GD-ĐT không dừng ở bước theo phương án 1, mà tiến lên các phương án khoa học và tiến bộ hơn, như phương án 2 và một phần phương án của ĐHQG Hà Nội trong những năm sau.
PV: Để có được một kỳ thi thực sự nghiêm túc, đạt kết quả như mong muốn (2 mục đích), theo ông, ngành giáo dục cần phải làm gì?
– Như trên đã nói, ngành giáo dục cần chuẩn bị cơ sở để tiến tới áp dụng phương án 2 là phương án khoa học, tiến bộ và đáp ứng tốt cả hai mục tiêu. Một điều quan trọng là muốn áp dụng phương án 2, phải chuyển sang sử dụng chủ yếu phương pháp trắc nghiệm cho mọi môn thi, vì có như vậy mới có thể thi bằng một đề kết hợp 3 môn trong một vài tiếng đồng hồ. Khi xét từng khía cạnh, mỗi phương pháp trắc nghiệm và tự luận có ưu – nhược điểm khác nhau, nhưng về tổng thể có thể nói: Chất lượng của kỳ thi bằng đề trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, còn chất lượng của kỳ thi bằng đề tự luận phụ thuộc chủ yếu vào năng lực người chấm. Đối với đề thi trắc nghiệm có thể tăng chất lượng nhờ qui trình lâu dài hàng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Trong khi đó để tìm đủ người có năng lực chấm các bài thi tự luận trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.
Dư luận cũng như các trường ĐH đều không tin tưởng ở chất lượng cụm thi địa phương, vậy theo ông, có nhất thiết phải tồn tại cụm thi này không?
Để tìm đủ người có năng lực chấm các bài thi tự luận trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.
– Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên tiến tới giao việc công nhận tốt nghiệp cho các tỉnh/thành, bằng cách xét các điểm tích lũy và có thể tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng tại địa phương. Khi ấy kỳ thi chung quốc gia chỉ nên tổ chức ở các cụm do các trường ĐH phụ trách mà không cần các cụm thi ở địa phương. Học sinh nào muốn có bằng giáo dục phổ thông “theo chuẩn quốc gia” và muốn dự xét tuyển ĐH mới cần tham dự kỳ thi chung này, nếu không thì thôi, vì họ đã có bằng tốt nghiệp phổ thông của tỉnh/thành cấp. 
Kỳ vọng của ông ở một kỳ thi quốc gia này như thế nào?
– Tôi nghĩ một kỳ thi quốc gia có chất lượng được tổ chức theo phương án 3 và dựa vào việc “áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại” như nghị quyết 14 của Chính phủ năm 2005 về giáo dục ĐH sẽ có đóng góp quan trọng nâng cao chất lượng cả giáo dục phổ thông và ĐH. Một mặt, đối với giáo dục phổ thông, kỳ thi không tạo nạn học lệch. Mặt khác, kỳ thi quốc gia như vậy có thể tổ chức nhiều lần trong năm, sẽ tạo cơ hội để thí sinh nâng dần trình độ để được vào ĐH, các trường ĐH không bị sức ép lấy thí sinh quá kém.  
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
 LTSBộ GD-ĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia 2015, tuy nhiên khi triển khai thực hiện vẫn còn có nhiều băn khoăn, lo lắng từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh… Để kết thúc diễn đàn, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này.
 
Áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại trà
GS. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội), cho biết năm 2015, ĐHQG Hà Nội sẽ chính thức áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại trà ở tất cả ngành đào tạo ĐH, sau ĐH. Theo đó, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trong năm: Đợt 1 trước kỳ thi quốc gia chung (vào tháng 4) và đợt 2 sau kỳ thi chung (vào tháng 8). Như vậy, thí sinh đã trúng tuyển vào ĐHQG Hà Nội ở đợt 1 vẫn có cơ hội thi kỳ thi chung để thử sức vào các trường ĐH khác và thí sinh đã qua kỳ thi chung vẫn có cơ hội vào học ĐH tại ĐHQG Hà Nội ở đợt thi thứ 2. Theo lộ trình, để vào trường, thí sinh phải làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (thí sinh thi ngành toán học, cơ học, CNTT… lựa chọn môn thi chuyên biệt là toán học; thí sinh chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học; hay thí sinh lựa chọn các ngành khoa học xã hội và nhân văn có thể chọn môn thi là văn học). Tuy nhiên, với cách thức Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì việc cộng thêm hai bài thi sẽ tương đối nặng nề cho thí sinh. Do đó, ĐHQG Hà Nội đang kiến nghị được sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đơn vị thay thế kết quả kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015. Trường hợp Bộ GD-ĐT không đồng ý, có thể ĐHQG Hà Nội sẽ thay bài thi chuyên biệt bằng chính kết quả của môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia.
T.Lam
 
 

Bình luận (0)