Một tiết học với giáo án điện tử tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1). Ảnh: Anh Khôi
|
Hiện nay, các trường phổ thông đều được trang bị phòng máy tính nối mạng internet và tin học đã được các trường xem là môn học chính thức. Một số trường còn trang bị thêm bảng tương tác, tạo cơ sở hạ tầng CNTT cho cán bộ, giáo viên (CB-GV) sử dụng vào quá trình quản lý, giảng dạy một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, việc sử dụng các trang thiết bị này sao cho hiệu quả, đạt được mục đích dạy và học lại là một việc không dễ.
Ưu việt so với phương pháp dạy truyền thống
Ứng dụng CNTT vào dạy học, nhất là sử dụng giáo án điện tử, các bài học sẽ được thiết kế, biên soạn và lưu trữ trên máy tính, sau đó nhờ thiết bị máy chiếu kết nối với máy tính để trình chiếu nội dung của bài học ra một màn hình lớn cho học sinh (HS) xem. Với phương pháp này, GV chỉ cần click chuột là nội dung bài giảng xuất hiện trên màn hình. Việc sử dụng giáo án điện tử sẽ giúp cho GV tiết kiệm được thời gian trong việc ghi bảng, bên cạnh đó, sức khỏe của GV và HS cũng không bị ảnh hưởng bởi bụi phấn. Hơn thế, giáo án điện tử có thể dễ dàng trình chiếu các hình ảnh trực quan sinh động bổ trợ cho bài giảng, giới thiệu các tài liệu tham khảo đi kèm; giúp GV có thời gian để tổ chức cho HS trao đổi, thảo luận, phát huy tính tích cực và hứng thú trong học tập. Qua đó, GV không chỉ mang đến cho HS những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa mà còn cung cấp cho các em những hình ảnh sống động, hoặc có cả những video clip minh họa cho bài giảng…
ThS. Nguyễn Quốc Thanh Long – Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) – cho biết: “Có thể thấy rằng việc sử dụng giáo án điện tử là một bước đột phá trong việc cải tiến và đổi mới phương pháp dạy và học, tránh lối học theo kiểu truyền thống thầy đọc, trò chép một cách thụ động. Ngoài ra còn tạo hứng thú cho HS nhiều hơn và hầu hết GV đều phấn khởi khi dạy bằng giáo án điện tử, dù sự chuẩn bị sẽ công phu hơn soạn giáo án truyền thống nhiều…”. Trong khi đó, cô Võ Thị Thanh Tâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thủy Tiên 1 (huyện Bình Chánh), chia sẻ: “Hiện nay, các trường mầm non đều được đầu tư và trang bị ti vi, đầu video, xây dựng phòng đa năng với hệ thống máy tính và máy chiếu, nối mạng internet. Một số trường còn trang bị thêm máy quay phim, chụp ảnh… tạo điều kiện cho GV có thể ứng dụng CNTT vào giảng dạy; qua đó GV không những phát huy được tối đa khả năng làm việc của mình mà còn trở thành một người GV năng động, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển. Nếu trước đây GV mầm non phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng thì với việc ứng dụng CNTT, GV có thể sử dụng internet để chủ động khai thác tài nguyên, quay phim, chụp ảnh làm tư liệu cho bài giảng. Đây có thể coi là một phương pháp ưu việt, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, vừa thực hiện được nguyên lý giáo dục “Dạy học lấy HS làm trung tâm” một cách dễ dàng”.
Với Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh), việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã giúp cho chất lượng dạy và học của trường từng bước cải thiện, giúp cho tiết học sinh động, nhiều màu sắc. GV có sự chuyển đổi về nhận thức, từ qui định lúc ban đầu sang tâm thế say mê trong soạn giảng cũng như các hoạt động khác: Kỹ năng soạn giảng các tiết có ứng dụng CNTT của GV được nâng lên rõ rệt, chất lượng bài giảng được nâng cao. 100% GV soạn giáo án, bài dạy điện tử; HS tham dự cuộc thi tiếng Anh, Violympic qua mạng hào hứng tích cực.
Còn nhiều khó khăn, trở ngại
Hôm nay (22-10), Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bằng CNTT”. Mục đích của hội thảo nhằm giúp CBQL, GV trong ngành GD-ĐT huyện Bình Chánh giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong nhà trường hiện nay.
|
Thầy Võ Minh Triết – Hiệu trưởng Trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh) – khẳng định: Ưu điểm nổi bật của phương pháp dạy học bằng CNTT là môi trường đa phương tiện kết hợp những hình ảnh video, camera… với âm thanh, văn bản, biểu đồ được trình bày qua máy tính theo kịch bản vạch sẵn nhằm đạt hiệu quả tối đa, qua một quá trình học đa giác quan; kỹ thuật đồ họa nâng cao có thể mô phỏng nhiều quá trình, hiện tượng tự nhiên, xã hội trong con người mà không thể hoặc không nên để xảy ra trong điều kiện nhà trường; những ngân hàng dữ liệu khổng lồ và đa dạng được kết nối với nhau và với người sử dụng qua những mạng máy tính. Tuy nhiên, “Ở mức độ nào đó, thì công cụ hiện đại này cũng không thể hỗ trợ GV hoàn toàn trong các bài giảng. Việc sử dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học chưa được nghiên cứu kỹ, dẫn đến việc ứng dụng không đúng chỗ, không đúng lúc, nhiều khi bị lạm dụng”, thầy Võ Minh Triết nêu khó khăn.
Cô Đỗ Nguyễn Bảo Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh) – cho biết: “Hiện Trường Mầm non Hoàng Anh chỉ có 5 GV được tập huấn trực tiếp về việc sử dụng bảng tương tác, vì mới tiếp cận nên chất lượng bài giảng chưa có nhiều sáng tạo. GV còn mất nhiều thời gian thiết kế bài giảng trên bảng tương tác, mạng internet đôi lúc chập chờn, ảnh hưởng đến việc quản lý nội bộ trong nhà trường”. Tương tự, cô Lâm Ánh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường TH Bình Hưng (huyện Bình Chánh) nêu thực trạng: “Một số GV e ngại khi sử dụng các phần mềm giảng dạy với lý do sợ mất thời gian cho việc đầu tư soạn giảng. Trường không có đủ máy chiếu, màn hình để phục vụ nhu cầu học tập của HS (4 máy chiếu/ 56 lớp với 2.109 HS). Trường không có phòng chức năng dành riêng cho việc giảng dạy bằng giáo án điện tử… Đa số GV chỉ sử dụng một số phần mềm trình chiếu để thiết kế bài giảng và các hoạt động dạy học, chưa có sự liên kết đa dạng các phần mềm chuyên dụng. Thậm chí, trình chiếu các trang word thay cho việc ghi bảng. Điều này ít có hiệu quả, trong phương pháp dạy học, nhằm phát huy tính tích cực chủ động của HS.
Huy Cận
CNTT thật sự phải là “chìa khóa vàng”
Ông Nguyễn Trí Dũng -Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh – cho biết: Vấn đề thực trạng ứng dụng CNTT trong nhà trường hiện nay và các giải pháp đề xuất, kiến nghị để đổi mới công tác quản lí, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho CNTT thật sự là “chìa khóa vàng” mở ra giai đoạn phát triển mới cho sự nghiệp GD-ĐT của thành phố nói chung và huyện Bình Chánh nói riêng là mục tiêu của hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bằng CNTT”. Chúng tôi hi vọng rằng, thông qua hội thảo này, CB-GV cùng các anh chị phụ trách CNTT tại các trường trên địa bàn huyện sẽ có cơ hội chia sẻ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau trên tinh thần hướng tới đổi mới, phát triển và hội nhập. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một sự kiện giao lưu khoa học bổ ích, thể hiện sự đoàn kết, sáng tạo và cùng phát triển.
|
Bình luận (0)