Bà mẹ trợ giảng Lý Thị Dinh
|
Rào cản ngôn ngữ hiện đang là một trong những rào cản lớn nhất đối với trẻ em dân tộc thiểu số khi tiếp cận giáo dục. Ở nhà bố mẹ không biết tiếng Việt, đến trường, cô giáo không biết tiếng dân tộc, trẻ bị kẹt ở giữa nên rất khó khăn khi đi học. Tiếng Việt giống như ngoại ngữ 1 của trẻ dân tộc. Để giúp trẻ hòa nhập được với môi trường giáo dục, từ 5 năm nay, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (WV) đã thực hiện chương trình Bà mẹ trợ giảng tại hai huyện của Điện Biên là Tủa Chùa và Tuần Giáo. Sắp tới, chương trình sẽ tới Trạm Tấu, Yên Bái.
Tiêu chí để lựa chọn các bà mẹ trợ giảng phải là người địa phương, yêu trẻ, thông thạo tiếng Việt và tiếng dân tộc, cam kết phục vụ cộng đồng và trẻ em, mong muốn được cống hiến cho giáo dục địa phương. Mỗi bà mẹ trợ giảng sẽ được hưởng trợ cấp 1.150.000 đồng/tháng. Số tiền trợ cấp không nhiều nhưng với tình yêu trẻ, mong muốn con em dân tộc mình hiểu được cái chữ khi đến trường, các bà mẹ đã không ngần ngại sát cánh cùng các cô giáo trong lớp học để hỗ trợ các con. Nhiều lúc họ lại chính là những nhân vật chính trong lớp.
Yêu nghề
Giáo sinh Giàng Thị Nu, 20 tuổi làm bà mẹ trợ giảng tại Trường Dân tộc bán trú Tiểu học Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái).Nu đã tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hải Dương được một năm nay. Từ tháng 11-2013, Nu đã đến làm giáo viên trợ giảng cho Trường Dân tộc bán trú Tiểu học Suối Giàng. Công việc của Nu hàng ngày là hỗ trợ các cô giáo giảng dạy tiếng Việt cho học sinh bằng cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc cho các em học sinh hiểu. Trường Suối Giàng của Nu có tới 98% học sinh là người dân tộc H’Mông, các em đều rất khó khăn tiếp cận tiếng Việt. Nu không chỉ trợ giảng một lớp mà trợ giảng rất nhiều lớp trong trường. Kể về một tiết học của mình, Nu cho biết: Khi bước chân vào lớp, đầu tiên là hướng dẫn học sinh chơi một trò chơi hướng đến bài học hôm đó. Khi vào bài học, Nu sẽ giải thích, giải nghĩa các từ khó để học sinh hiểu rồi mới đến giáo viên chính. Với những học sinh bắt đầu vào lớp 1, khả năng tiếng Việt của các em rất hạn chế vì ở nhà bố mẹ không nói tiếng Việt. Thậm chí có những gia đình bố mẹ học đến lớp 5 nhưng vẫn không nói được tiếng Việt nhiều, còn những gia đình khó khăn thì không biết tiếng phổ thông. Trường của Nu có 423 học sinh. Trường Suối Giàng có 2 cô trợ giảng. Sau một năm hỗ trợ cùng giáo viên, điều Nu thấy là học sinh đã tiến bộ rất nhiều. “Nu cũng thấy có nhiều khó khăn đối với các bà mẹ trợ giảng. Đó là nhiều khi phải giải thích rất nhiều học sinh mới hiểu. Quan trọng hơn, đó là phải sắp xếp công việc gia đình. Nu không phải là giáo viên chính, chỉ là người trợ giảng nhưng vẫn phải đến trường đúng như giờ giấc quy định của giáo viên. Người dân miền núi thường gắn với công việc chăn nuôi và nương rẫy. Chính vì vậy, để hoàn thành việc nhà, việc trường, Nu thường phải dậy làm việc từ 4 giờ đến 4 giờ 30 sáng. Vất vả, khó khăn, không có thu nhập nhiều, nhưng Nu rất vui và muốn gắn bó với công việc này. Nu coi đây là những kinh nghiệm hữu ích để sau này phục vụ công việc chính của mình”, bà mẹ trợ giảng Giàng Thị Nu thổ lộ.
Ước mơ làm cô giáo thực thụ
Bà mẹ trợ giảng Giàng Thị Nu |
Bà mẹ trợ giảng Lý Thị Dinh, 20 tuổi, tại Trường Mầm non xã Xá Nhè (Tủa Chùa, Điện Biên)đã làm trợ giảng 5 năm nay (từ 2009). Dinh kể, buổi đầu tiên đến trường, trong trang phục của người H’Mông, trẻ ở trường ùa ra, thích thú vì có “cô giáo” mặc giống mình. Mới lớp 3 tuổi, lớp 4 tuổi hay lớp 5 tuổi nhưng trẻ đến líu lo hỏi chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc các em. Dần dần, hình ảnh của “cô giáo Dinh” trở nên quen thuộc đối với trẻ ở Trường Mầm non Xá Nhè. Buổi sáng, Dinh đón trẻ cùng các cô. Sau đó sẽ có một tiết trò chuyện cùng trẻ, hỗ trợ giáo viên khi cần. Với hoạt động góc, Dinh nhập vai chơi cùng trẻ. Buổi chiều sau ngủ dậy chơi cùng trẻ, nếu có trò chơi mới thì hướng dẫn trò chơi mới cho trẻ rồi dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Kết thúc ngày học là trả trẻ về cùng cô. Hàng tuần, Dinh lên lớp 5 ngày/tuần giống như lịch của cô giáo. Yêu trẻ, nhưng Dinh nhận thấy khó khăn nhất là em không được đào tạo qua sư phạm nên việc lên lớp chưa được thuận lợi. Lập gia đình năm 15 tuổi, đến nay, 20 tuổi, Dinh vừa lo việc nhà khi chồng đi vắng, vừa lo việc trường. Chồng Dinh đi học trung cấp thú y dưới Hà Nội, một mình Dinh ở nhà cáng đáng việc nhà. Mới 20 tuổi, nhưng Dinh chín chắn, chững chạc. Em bảo, hai gia đình đều khó khăn, hai vợ chồng em phải tự bươn chải. Một tuần 5 ngày đến trường, 2 ngày nghỉ, Dinh lo việc gia đình. Phụ cấp hàng tháng 1.150.000 đồng, đây được Dinh coi là thu nhập thêm để chồng có tiền ăn học. Mong muốn lớn nhất của Dinh là em sẽ lại được đi học (vì em mới tốt nghiệp lớp 5 thì phải nghỉ) để được chăm sóc, dạy dỗ trẻ như một giáo viên thực sự.
Mô hình Bà mẹ trợ giảng hy vọng sẽ phần nào giúp được trẻ em dân tộc thiểu số tự tin hơn đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học vì chán học.
Nhiệt tình, muốn gắn bó với trẻ
Cô Nguyễn Thị Huân, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Tủa Chùa (Điện Biên) cho biết:Để chọn các bà mẹ trợ giảng, Phòng Giáo dục Tủa Chùa đã chú ý đến các tiêu chí như biết đọc, biết viết, yêu trẻ. Đồng thời cũng đảm bảo chính sách để các bà mẹ yên tâm công tác. Phòng sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa bàn để chọn người. Có những địa bàn chọn những bà mẹ trung tuổi cũng tốt vì họ có nhiều kinh nghiệm, có những địa bàn sử dụng người trẻ vì họ năng động. Các bà mẹ khi được lựa chọn đều rất nhiệt tình và muốn gắn bó với trẻ. Tuy nhiên, bà Huân cũng cho rằng, việc sử dụng bà mẹ trợ giảng chỉ là giải pháp trước mắt vì hiện nay, khó khăn nhất khi đưa trẻ dân tộc đến trường là rào cản ngôn ngữ. Ngành giáo dục phải có nhiều giải pháp. Sau khi mô hình Bà mẹ trợ giảng đạt hiệu quả, ngành giáo dục phải tính đến giải pháp tiếp theo để đảm bảo tính bền vững. Các giáo viên là người Kinh hiện nay đang giảng dạy tại Tủa Chùa đều cố gắng học tiếng dân tộc, các cô đều biết giao tiếp đơn giản, giao tiếp ban đầu với học sinh. Nhưng học để mà dạy được hết chương trình mầm non hiện nay thì phải là cả quá trình. Ngành giáo dục Tủa Chùa cũng đã mở lớp dạy tiếng dân tộc cho các giáo viên từ 1 đến 3 tháng. Hiện nay, Tủa Chùa đang có 13 bà mẹ tham gia trợ giảng. Sắp tới sẽ có một đợt tập huấn nữa và sẽ có thêm các bà mẹ tham gia trợ giảng cùng giáo viên cho học sinh mầm non.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)