Sáng thứ hai theo nhịp thời gian, tôi chuẩn bị mọi công việc thật chu đáo để lên lớp giảng dạy như những ngày bình thường. Trước lúc vào bài học, tôi đọc cho học sinh (HS) nghe một bài báo có nội dung nói về sự cảm hóa HS của một người thầy. Cuối bài báo viết: “Cảm ơn L.H.B! Chính em đã cho tôi thêm một bài học ý nghĩa của nhà giáo. Đó là sự quan tâm nhiều hơn nữa về hoàn cảnh của học trò, để từ đó hiểu và dành thời gian tâm sự với các em nhiều hơn. Qua đó gieo cho các bạn trẻ sống đẹp từ những bài học qua những lời nói, cử chỉ thiết thực và chân thành từ hình ảnh đẹp của người thầy”… Đọc xong, tôi chia sẻ với HS: “Nếu các em có những nỗi niềm không biết tâm sự cùng ai thì cứ chia sẻ cùng thầy, hãy xem thầy như là người bạn để các em trải lòng”.
Bài giảng bắt đầu. Chỉ mới mấy phút, một HS nữ xin phép: “Thưa thầy, hết giờ em muốn tâm sự với thầy được không ạ?”. Giờ ra chơi, HS tràn xuống sân, chỉ còn hai thầy trò. Tôi gợi chuyện, cô học trò bắt đầu cất lời cũng là lúc nước mắt tuôn trào. Em kể cho tôi hay lâu nay em buồn vì một chuyện. Chuyện không phải từ bạn bè trong lớp, cũng không phải chuyện gia đình mà bắt đầu từ cô giáo: “Em rất buồn vì cô chê em xấu”. Tôi giải thích và mong em đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Em mặc cảm vì cô không chỉ nói một lần mà rất nhiều lần: “Cơ thể em yếu, hay lên phòng y tế, cô nói em đã xấu mà còn hay bệnh nữa làm em càng buồn thêm. Em có muốn như vậy đâu”. Nhiều lần muốn nói với ba mẹ, nhưng sợ ba mẹ buồn, lo lắng nên em không dám nói. Em cũng không tâm sự với bạn bè việc này. Và người em tìm đến chia sẻ là tôi.
Đúng. Em là cô học trò yếu ớt. Tôi cũng biết điều đó. Còn về hình thức, khách quan mà nói, em không xấu. Nếu như ngoại hình em thực sự xấu đi chăng nữa, là giáo viên, chúng ta không nên chê học trò như vậy. Xấu không có tội, bệnh không có tội nên đừng chê như vậy. Chỉ một lời nói không phù hợp sẽ ảnh hưởng tới tâm lí của HS, nhất là những cô cậu học trò đang độ tuổi nhạy cảm, và ảnh hưởng tới việc học của các em nữa. Tôi nói với em rằng: “Vẻ đẹp của con người chính là tâm hồn. Em cứ cố gắng trong học tập, cứ sống tốt làm việc tốt thì em sẽ đẹp trong mắt mọi người”. Tôi khuyên em nhiều lắm. Em hiểu và gạt đi những giọt nước mắt buồn ấy.
Nhìn em vui, học tập tích cực phát biểu tôi cũng vui lây. Hai thầy trò không nhắc lại chuyện cũ nữa. Thỉnh thoảng tôi vỗ vai nói với em: “Cố gắng lên nhé em!”. Hai thầy trò cùng cười. Tôi rất mong rằng, giáo viên cần tế nhị hơn khi nhận xét học trò, nhất là những lời nói hàm ý chê. Một lời nói ý nghĩa có thể giúp HS tiến bộ, khơi gợi niềm đam mê học tập và sống đẹp. Một lời nói không phù hợp có thể dẫn tới những điều không tốt cho HS. “Ai ai cũng đẹp, có điều không phải ai cũng nhận ra điều đó”. Quả là như thế.
Sông Lam (TP.HCM)
Bình luận (0)