Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chiếc điện thoại bị mất

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học vừa qua, khi trường vào học chính thức được gần hai tháng, bỗng một hôm cô Vân (chủ nhiệm lớp 12A) gặp riêng cho tôi hay là em Bình vừa thấy bạn Thanh ở lớp 12C sử dụng chiếc điện thoại của em bị mất… cách đây một năm!
Ngược dòng thời gian, Bình cho biết: Sáng hôm ấy cả lớp ra sân học thể dục. Túi xách, đồ đạc của cả lớp được gom một góc để dễ bảo quản. Khi nhận túi xách, Bình thấy túi bị lục và chiếc điện thoại “xịn” trị giá khoảng 12 triệu đồng đã không cánh mà bay! Nhưng vừa lúc ấy cũng hết giờ học sáng, mọi người lấy đồ đạc, túi xách ra về nên chiếc điện thoại coi như vô phương tìm lại. Tuy điện thoại mất nhưng hóa đơn, số xê-ri em vẫn còn giữ trong tủ… Vì thế, khi phát hiện được chiếc điện thoại màu trắng này ở trong tay bạn Thanh, Bình liền báo tin cho cô chủ nhiệm và nhờ cô cùng nhà trường có cách nào để xem rõ thực hư. Vì nếu máy giống nhau mà nghi ngờ thì tội nghiệp bạn. Còn danh dự, nhân phẩm, điều tiếng vào ra nếu bạn bị vu oan…
Sau khi bàn bạc trong Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm hai lớp, tôi vào lớp 12C thông báo: Có tin bên ngoài cho hay, một số máy điện thoại trong lớp ta có chứa nội dung xấu, độc hại. Bây giờ mỗi người phải nộp lại điện thoại cho nhà trường kiểm tra. Mỗi chiếc bỏ vào bì thư riêng, ghi rõ họ tên để trả lại sau khi kiểm tra xong.
Tất cả học sinh đều thực hiện tốt công việc kiểm tra điện thoại. Tình huống được đặt ra: Nếu Thanh không nộp điện thoại trắng mà nộp cái khác thì giải quyết sao? Vẫn trả lại bình thường như các bạn khác! Chúng tôi thống nhất như thế.
Khi mở bì thư chứa điện thoại của Thanh, bất ngờ là chiếc điện thoại màu trắng. Cô chủ nhiệm lớp 12A đọc số xê-ri trên hộp máy để mọi người có mặt kiểm tra thì cả 12 con số đều trùng khớp! Mọi người thở phào vì đã tìm ra thủ phạm. Tất cả điện thoại đều được trả lại vì “không có tin nhắn nào xấu” như tin đồn! Riêng điện thoại của em Thanh thì tạm giữ lại vì hết pin, không mở xem tin nhắn được.
Bỗng em Thanh vào gặp. Tôi hỏi thăm gia đình thì biết được ba và mẹ em hiện sống ly thân; nay em đang sống cùng mẹ. Tôi hỏi em mua điện thoại ở đâu thì em cho hay là mua lại của một người chị bà con. Tôi nhẹ nhàng: “Bạn Bình ở lớp 12A cho hay đó là điện thoại của bạn ấy, em nghĩ thế nào? Thanh à, thầy cũng như ba, như chú em thôi. Thầy nói thiệt là đời người ai mà không có sai lầm! Điều quan trọng là có nhận ra sai lầm ấy để khắc phục, sửa chữa hay không? Ở đây, đòi hỏi mình phải rất dũng cảm – đúng, phải dũng cảm mới nhận ra sai sót, phút yếu lòng đã không tự chủ, không chiến thắng được bản thân!”.
Tôi nói đến đây thì Thanh òa khóc: “Thầy ơi, thầy cho em xin lỗi. Em đã dại dột lấy điện thoại của bạn…”. Tôi cứ để Thanh khóc. Những giọt nước mắt hối hận, phần nào vơi được nỗi dằn vặt bấy lâu trong tâm can cô học trò nhỏ. Tôi nhỏ nhẹ nói: “Bây giờ em sẽ xin lỗi Bình và trả lại máy cho bạn. Bạn Bình cũng sẽ bỏ qua. Em cứ yên tâm, vẫn đi học bình thường nhé. Việc này chỉ có hai em biết với nhau thôi, không ai biết cả đâu!”.
Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)
* Tên các nhân vật đã được thay đổi

Bình luận (0)