Trong chương trình làm văn lớp 10 hiện nay có các thể loại làm văn là biểu cảm, tự sự, nghị luận xã hội. Do đó, ra đề làm văn ở các thể loại này điều cần thiết là khơi gợi được sự sáng tạo, có tính ứng dụng bằng cách vận dụng kiến thức đời sống để học sinh thể hiện trong bài làm văn. Đề văn trong bài viết số 2 của chương trình ngữ văn lớp 10 là đề nghị luận xã hội.
Tôi ra đề như sau: “Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng một số bạn trẻ chụp và tung ảnh tự sướng lên internet để được nhiều người biết nhằm gây sự nổi tiếng”. Sau khi ra đề một ngày, tôi liền bị tổ trưởng gọi đến “xực một bài” về cách ra đề. Theo tổ trưởng, đề ra cho học sinh lớp 10 mà lấy vấn đề trong xã hội, có tính thời sự như trên là không hợp lý, không sát chương trình. Vấn đề chụp hình tự sướng rồi đưa lên mạng của thanh niên không cần thiết đối với học sinh THPT. Đó là vấn đề nhạy cảm không nên đưa vào cho học sinh làm bài. Đề văn, dù là nghị luận xã hội cũng phải căn cứ theo tác phẩm đã học trong sách giáo khoa, theo chương trình đã quy định.
Tôi cố giải thích đây là nghị luận xã hội, cần cho học sinh trình bày quan niệm, luận điểm của cá nhân; đánh giá vấn đề mang tính thời sự và qua đó rút ra được nhận định cũng như bài học cho bản thân về vấn đề đó. Thế nhưng, tổ trưởng cứ một mực bắt tôi phải “rút kinh nghiệm” không được ra đề ngoài yêu cầu chung của chương trình. Dữ liệu làm văn phải là tác phẩm đã học trong sách giáo khoa, dù đó là nghị luận xã hội.
Tôi chỉ mới đi dạy 10 năm, kinh nghiệm giảng dạy không thể bằng tổ trưởng. Là giáo viên chịu sự chỉ đạo chuyên môn của tổ trưởng nên tôi đành vâng dạ tiếp thu ý kiến. Nhưng tổ trưởng không hiểu là tôi muốn để các em học sinh có quyền tự chủ trình bày suy nghĩ, phát huy vai trò quan sát, biết cách nhìn nhận vấn đề xã hội của bản thân. Từ đó rút ra được bài học, giá trị ở cuộc sống xung quanh cho bản thân. Và, quả đúng như tôi dự định. Đề văn tôi ra được học sinh đón nhận rất hào hứng, nhiều em học rất yếu môn văn nhưng khi làm đề nghị luận này viết rất say sưa, trình bày ý kiến, quan niệm về vấn đề đưa ra vô cùng chặt chẽ, rõ ràng. Khi chấm bài tôi hiểu ra rằng, học sinh bây giờ rất nhạy bén với các thông tin xã hội.
Từ đó tôi rút ra được kinh nghiệm rằng, dạy văn cho học sinh là phải để cho các em thoải mái bộc lộ được cảm xúc, quan điểm và sự đánh giá vấn đề do chính các em nhìn và nghe thấy.
Trương Phương (Bình Phước)
Bình luận (0)