Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Bệnh” đối phó!

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đánh giá trong giáo dục phải đánh giá cả đạo đức lẫn kiến thức, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chủ yếu đánh giá học sinh về mặt học lực, điểm số là chính. Học sinh lấy điểm số tổng kết làm chỉ tiêu xét thưởng, giáo viên lấy phần trăm điểm số học sinh làm chỉ tiêu thi đua. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người học chỉ cần biết học được điểm cao, còn người dạy chỉ cần số lượng điểm cao nhiều là được. Việc dạy đạo đức, uốn nắn ý thức và nhân cách cho học sinh vì vậy mà chưa được quan tâm. Thẳng thắn nhìn nhận ý thức chung của học sinh hiện nay thì chúng ta thấy thiếu sót của giáo dục chỉ biết dạy kiến thức khoa học (dạy chữ) mà không quan tâm kiến thức đạo đức (dạy người). Từ đó dẫn đến việc giáo viên rất khó khăn trong đánh giá, xếp loại học sinh. Vì thực ra khi đánh giá xếp loại học sinh, giáo viên bị chi phối rất nhiều bởi các chỉ tiêu đã đề ra. Điều này làm cho giáo viên phải “lừa gạt” chính bản thân mình.
Cái mà cả xã hội đều nhận thấy là bệnh thành tích. Buồn là giáo viên – những người đang trực tiếp phải làm theo sự chỉ đạo chung của ngành giáo dục – phải dạy để đối phó với chỉ tiêu, với quy định của cấp trên đề ra. Điều này dẫn đến tình trạng là dạy học đối phó, báo cáo đối phó, chỉ tiêu thi đua không thiết thực… Vì vậy giáo viên không có động lực và hứng thú tự học, tự tìm tòi cái mới. Đây là điều khó khăn nhất khi giáo viên muốn áp dụng phương pháp, cách thức truyền đạt, kiểm tra mới mẻ của mình.
Quyết Lam (Giáo viên một trường THPT ở tỉnh Bình Phước)

Bình luận (0)