“Tiết học môn Sử nào cũng sinh động thế này thì học sinh làm sao ghét Sử được”, “Học Sử mà học sinh không cảm thấy áp lực, trái lại còn được xem phim, chơi trò chơi, múa hát”… đó là 2 trong số những nhận xét của các giáo viên khi tham gia lớp học mẫu với bảng tương tác (BTT) do Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức cuối tuần qua.
Sử dụng bảng tương tác trong giảng dạy giúp tiết học tăng tính hiệu quả, sinh động. Ảnh: MAI HẢI
“Thay áo” tiết học nhờ bảng tương tác
Mở đầu tiết dạy, lớp học rộn ràng với giai điệu hào hùng của bài hát Em bé giải phóng quân. Vừa vỗ tay, nhịp chân theo từng ca từ của bài hát, học sinh còn được xem nhanh một đoạn phim tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, giáo viên chia lớp ra thành 3 nhóm, mỗi nhóm 9 học sinh để cùng nhau thảo luận, đọc tên các cứ điểm quân sự và trình bày diễn biến các giai đoạn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài các thao tác trình chiếu, giáo viên còn yêu cầu học sinh trực tiếp cầm bút điện tử chỉ vào từng cứ điểm quân sự được đánh dấu trên lược đồ. Học sinh nào chỉ đúng, máy sẽ phát ra âm thanh vỗ tay khen thưởng, em nào chỉ sai cũng có tín hiệu báo để thay đổi phương án lựa chọn. Quá trình các nhóm thảo luận, BTT đóng vai trò như một đồng hồ đếm ngược thời gian, hết thời gian ấn định sẽ có âm thanh “bing, bong” phát ra thật lớn để các nhóm dừng thảo luận. Tiếp theo, mỗi nhóm cử một thành viên lên bảng thuyết trình nội dung của nhóm, sau đó thành viên trong các nhóm còn lại có quyền lên bảng sửa đổi, bổ sung kiến thức. Giáo viên sẽ là người tổng hợp, nhận xét cuối cùng. Thầy Huỳnh Thế Nhã, người thiết kế tiết học trên, cho biết: “Nhờ việc chia lớp ra thành 3 nhóm, tôi có thể bao quát hết tất cả hoạt động của học sinh. Việc bấm đồng hồ thời gian hay hiển thị lược đồ đã có BTT trợ giúp, giáo viên chỉ luân phiên di chuyển đến các nhóm để quan sát, hướng dẫn học sinh khi cần thiết”.
Cuối tiết học, giáo viên đặt chung cho cả lớp một câu hỏi. Mỗi học sinh sẽ suy nghĩ và lựa chọn phương án trả lời bằng bộ thiết bị nối kết với BTT. Kết quả sẽ được tổng hợp và hiển thị tỷ lệ phần trăm các đáp án được học sinh lựa chọn để giáo viên nhận xét, rút kinh nghiệm chung cho cả lớp. Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Dạy học với BTT có ưu điểm là nhiều tư liệu trực quan sinh động giúp học sinh tăng thêm hứng thú, tiếp thu bài học nhanh và nhớ lâu các kiến thức. Đây là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm thực hiện khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM), bày tỏ: “Khả năng tập trung của trẻ em trong thời gian dài thường không cao. Do đó, BTT giúp tiết học bớt nhàm chán, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động của lớp học, từ đó giúp các em có trách nhiệm hơn với việc học của mình”. Ngoài việc lưu lại bài giảng, phim tư liệu, hình ảnh minh họa, công cụ còn đóng vai trò như một kho tư liệu dùng chung cho toàn trường, góp phần vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Tránh máy móc, chạy theo thành tích
Dạy học với BTT có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên TS Nguyễn Kim Dung lưu ý các trường không nên quá lạm dụng phương pháp này. Bởi nếu quen được học
* Quận Tân Phú, TPHCM hiện là một trong những địa phương triển khai tốt dạy học với BTT. Theo thống kê của Phòng GD-ĐT, toàn quận hiện có 37 BTT, được phân bổ đều ở 16 trường tiểu học. Kết thúc năm học 2013-2014, đã có tổng cộng 1.173 tiết dạy tiếng Anh và 1.030 tiết dạy các môn học khác sử dụng BTT trên toàn địa bàn. |
với BTT, khi quay lại lớp học truyền thống sẽ khiến học sinh dễ nhàm chán, việc học tập trung quá nhiều vào các hình ảnh, trò chơi, ít chú trọng yêu cầu phát triển khả năng tư duy của học sinh. Ngoài ra, “Chỉ nên xem BTT là một công cụ trong rất nhiều công cụ hỗ trợ quá trình dạy học. Lựa chọn công cụ này không có nghĩa bỏ qua các công cụ khác như hình vẽ, thí nghiệm, tham quan thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy”, TS Dung cho biết. Ngoài ra, theo bà Phạm Vĩnh Lộc, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, các trường không nên nóng vội, chạy đua theo phong trào mà cần có kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó nâng cao vai trò của các giáo viên cốt cán, từ đó hướng dẫn, giúp đỡ những giáo viên khác làm theo. Bà Lộc cho biết: “Thực tế có giáo viên làm tốt, có người chưa. Do đó chủ trương của Phòng GD-ĐT là ai làm được đến đâu thì làm, tùy sức mỗi người theo tinh thần biết sử dụng trước đã rồi mới tính đến chuyện thành thục”.
Bên cạnh đó, để việc dạy học với BTT phát huy hết hiệu quả, ông Lưu Phương Thanh Bình, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị các trường không nên xếp loại, đánh giá giáo viên qua các tiết dạy với BTT. Thay vào đó, ban giám hiệu nên động viên, bố trí phòng ốc thuận tiện, tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên luyện tập nhiều với BTT để nâng cao kỹ năng sử dụng. Đơn cử như ở quận 6, theo thừa nhận của nhiều giáo viên là đã có BTT nhưng chỉ làm cho có, chưa phát huy hết hiệu quả cũng như các tính năng sử dụng của phương tiện này. Nguyên nhân là do nếu chỉ chạy theo phong trào, trường nào cũng có BTT nhưng lâu lâu mới sử dụng một lần sẽ khiến thầy và trò lúng túng, chất lượng bài giảng không như mong đợi. Thay vào đó, các trường cần tiến hành thường xuyên dạy học với BTT, tránh sử dụng BTT một cách hình thức như màn hình máy chiếu Power Point, gây lãng phí chi phí đầu tư. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần chú ý đến độ cao lắp đặt BTT sao cho phù hợp với hình thể học sinh, giảm tình trạng quá nhiều dây điện trong lớp học, máy khởi động chậm vào tiết học đầu giờ, hỏng hóc, trục trặc kỹ thuật do sử dụng lâu ngày không được bảo quản…
Thu Tâm
(SGGP)
Bình luận (0)