Giáo viên và HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám trao đổi trong tiết học môn văn. Ảnh: V.Yên
|
Cuối tháng 11-2014, Quốc hội thông qua nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK). Theo đó, bắt đầu từ năm học 2018-2019, ngành giáo dục sẽ áp dụng SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả ba cấp học.
Hiện vẫn còn khoảng thời gian khá dài để Bộ GD-ĐT cùng các nhà khoa học lựa chọn, đưa ra nội dung chương trình phù hợp nhất cho từng cấp học, sự gắn kết liên tục giữa các cấp học. Tuy nhiên, đối với các nhà quản lý và giáo viên, mong muốn lớn nhất là đổi mới chương trình, SGK làm sao để đáp ứng nhu cầu học tập tốt nhất cho học sinh (HS). Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Tánh (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) về vấn đề này.
Ông Phan Văn Tánh nói: Việc Quốc hội thông qua nghị quyết đổi mới chương trình và SGK, tôi nghĩ đây là một tín hiệu vui, đặt ra nhiều hi vọng cho những người làm công tác giáo dục về một chương trình, SGK phù hợp, giảm bớt sự quá tải cho HS và giáo viên. Tuy nhiên, đổi mới như thế nào?, gánh nặng trách nhiệm hiện đang đặt lên vai các nhà khoa học, Bộ GD-ĐT và các ban ngành liên quan. Riêng quan điểm của bản thân, tôi nghĩ việc đổi mới chương trình, SGK cần phổ thông, cơ bản và cô đọng. Đảm bảo được sự hài hòa giữa chuyển tải kiến thức và hình thành nhân cách của HS.
Cụ thể sự hài hòa đó thể hiện như thế nào, thưa ông?
– Theo tôi, đổi mới cần hướng đến giảm nhẹ chương trình học của HS. Lâu nay, việc học của HS gần như là học để thi chứ không phải thi để học. Chúng ta hiểu rằng, việc một HS tới trường học không chỉ để thu nhận kiến thức mà việc hình thành nhân cách cho các em mới là điều quan trọng. Nếu chúng ta thiên về một số môn mà coi nhẹ một số môn khác thì vô tình hay cố ý chúng ta đã tạo ra sự khiếm khuyết trong đào tạo. HS cần được học đồng đều tất cả các môn học, tất nhiên với một chương trình vừa phải để các em có thể tiếp thu được. Như vậy, HS mới có đủ kiến thức để làm việc, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Còn đối với các nội dung chuyên sâu hơn, sau này lên các bậc học cao hơn như CĐ, ĐH, các em sẽ tiếp tục học để bồi dưỡng thêm kiến thức cần cho chuyên môn của mình.
Ở đây tôi muốn nói thêm về nội dung chương trình học. Đó là chương trình phải thực sự có sức hút đối với HS. Ví dụ như môn lịch sử, cách viết sử làm sao thật thiết thực, đi vào lòng người, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi HS. Bên cạnh đó, chương trình làm thế nào có thể quan tâm hơn đến giáo dục nhân cách cho HS. Điều này nền giáo dục Nhật Bản cũng đã làm rất tốt, họ giáo dục cho HS của mình có tinh thần trách nhiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn ở nước ta, lâu nay do chương trình khá nặng nên người giáo viên đứng lớp, dù có phát hiện HS phạm lỗi cần nhắc nhở, giúp các em điều chỉnh hành vi sai trái nhưng họ không có thời gian. Thời gian đứng lớp, giáo viên phải tập trung làm sao để dạy cho hết chương trình quy định. Thậm chí đôi khi nhận thấy HS không hiểu bài giảng, giáo viên vẫn cứ phải tiếp tục dạy và đợi đến giờ luyện tập mới có thể quay lại vấn đề.
Theo ông, cần có chương trình, bộ SGK như thế nào mới đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong nhà trường phổ thông?
Box: Ở nước ta, lâu nay do chương trình khá nặng nên người giáo viên đứng lớp, dù có phát hiện HS phạm lỗi cần nhắc nhở, giúp các em điều chỉnh hành vi sai trái nhưng họ không có thời gian.
|
– Muốn đổi mới chương trình và SGK, theo tôi cách viết sách làm sao cho HS có thể tự học được. Muốn vậy, cần phải có nhiều bộ SGK cho một chương trình để HS có thể tự lựa chọn bộ nào phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Ngày trước, thế hệ chúng tôi thường lên lớp với cùng một thầy, cô giáo dạy một môn nào đó nhưng HS có thể tự chọn SGK phù hợp với mình. Và tôi thấy tinh thần tự học thời đó cũng rất lớn, mỗi HS đều nỗ lực hết mình, trong khi mọi người không có nhiều điều kiện để tiếp cận với các nguồn tài nguyên kiến thức hay được bồi dưỡng học thêm như bây giờ. Thiết nghĩ, cần có nhiều bộ SGK để phù hợp cho nhiều đối tượng. Từ đó sẽ thôi thúc tinh thần tự học ở HS. Ở đây chúng ta không cần phải lo lắng nhiều về việc có nhiều bộ SGK cho một chương trình, bởi vì nếu sách viết ra mà không phù hợp với các đối tượng HS thì tự nó sẽ bị thải loại.
Xin cám ơn ông!
Vĩnh Yên (thực hiện)
Giúp đội ngũ giáo viên bắt nhịp với sự đổi mới
Để có được một nền giáo dục toàn diện, tất nhiên là cần có một lộ trình chặt chẽ, sự chuẩn bị đồng bộ, có khung chương trình thật căn bản, và nhất là đủ “chín” mới có thể đổi mới thành công. Nhưng đó là vấn đề thuộc tầm vĩ mô. Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình xung quanh vấn đề đặt ra. Ngoài hai vấn đề tôi vừa đề cập thì vấn đề về đội ngũ giáo viên cũng đáng phải lưu tâm. Trước hết, cần có kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để họ có thể tiếp cận, bắt nhịp được với tiến trình đổi mới này. Vấn đề này quyết định lớn đến thành công của sự đổi mới. Bên cạnh đó, phải có cách quản lý khoa học, tạo điều kiện làm sao để người giáo viên toàn tâm, toàn ý với nghề…
Phan Văn Tánh
|
Bình luận (0)