Sự nhận định của các nhà giáo dục và các nhà tâm lý quả không sai: Trẻ không được lao động chân tay lớn lên sẽ khiếm khuyết về nhân cách. Câu chuyện sau đây mong rằng người lớn cần ý thức rõ hơn về giá trị của lao động và dạy cho trẻ những bài học quý từ những công việc nhỏ nhất.
Đầu tuần vừa rồi, con gái tôi (học lớp 4) về xin tiền mẹ đóng khoản vệ sinh trường lớp. Cháu giải thích: “Nhà trường có thuê một bác dọn dẹp vệ sinh, nhặt rác xung quanh sân trường. Chúng con đóng tiền để nhà trường trả công cho bác ấy”. Tôi nhớ ngày trước, ngay khi học tiểu học (từ lớp 3 trở đi), một tuần mỗi lớp có một buổi lao động, dọn vệ sinh trường lớp. Học buổi sáng thì đi lao động buổi chiều hoặc ngược lại. Các buổi lao động đó thường rất mệt nhưng mà vui. Tất cả thành viên trong lớp đều được phân công nhiệm vụ và phương tiện, công cụ đầy đủ nào là chổi, rổ, bao đựng rác… Mọi người đến đúng giờ, được cô giáo chủ nhiệm phân theo tổ hoặc nhóm. Tất cả tập trung quét dọn rác, nhổ cỏ vun lại thành đống lớn. Rồi sau đó hai hoặc ba người tập trung đi đổ ở hố rác. Các tổ, nhóm thi đua nhau nên rất háo hức. Công việc vất vả, khiến ai cũng mệt nhoài. Nhưng qua đó việc quét dọn vệ sinh làm cho sân trường sạch sẽ, thoáng mát nên ai cũng tích cực, tự giác. Khi tôi đem chuyện này trao đổi với con gái, cháu cũng hưởng ứng nói: “Nếu được lao động tập thể như thế, chắc lớp con sẽ đoàn kết và đạt được kết quả tốt”. Nhưng rồi cháu lại xìu mặt xuống, thỏ thẻ: “Chúng con học suốt ngày mà có làm hết bài tập đâu, thời gian đâu mà tham gia lao động. May mà ở nhà thỉnh thoảng mẹ còn cho con tham gia nấu ăn, nhặt rau, rửa bát nên con còn vận động chút xíu, chứ mấy bạn trong lớp kể cả trai lẫn gái đều chẳng phải động tay động chân vào việc nào”. Tôi lại nhớ đến cảnh mấy gia đình có con bằng tuổi con gái mình. Đến giờ ăn cơm rồi mà chẳng chịu phụ ba mẹ dọn mâm bát. Người lớn phải phục vụ tận nơi, cơm bưng nước rót. Ăn xong rồi cũng không biết để bát bẩn vào đâu, thay quần áo dơ ra rồi vứt khắp nơi. Chị hàng xóm với tôi có con gái học lớp 7 rồi mà mỗi lần chị bận đi liên hoan buổi tối, phải chạy đôn chạy đáo mua vội cho con hộp cơm vì lo con ở nhà không biết xoay xở ra sao nhịn đói thì tội nghiệp.
Thiết nghĩ, gia đình và nhà trường là hai môi trường giáo dục tạo điều kiện thuận lợi để trẻ được phát triển toàn diện. Vậy nhưng, nếu ở trong hai môi trường đó, trẻ không có cơ hội để lao động chân tay, rèn luyện thể lực thì việc trẻ khiếm khuyết về nhân cách là một kết quả tất yếu mà không ai mong muốn.
Lê Phạm (Đồng Nai)
Bình luận (0)